Bệnh nhân hen suyễn cần lưu ý gì khi trời lạnh?
Hít thở không khí lạnh trong mùa đông có thể làm cho các triệu chứng hen suyễn trở nên trầm trọng hơn. Lập kế hoạch với bác sĩ của bạn để xây dựng một kế hoạch hành động hiệu quả và tuân theo kế hoạch đó là chìa khóa để kiểm soát hen suyễn hiệu quả.Ảnh minh họa
1. Bệnh hen suyễn và trời lạnh có mối liên hệ gì với nhau?
Khi lên cơn hen suyễn, niêm mạc của phế quản sẽ bị viêm và co thắt do phản ứng với các tác nhân gây kích ứng. Lúc này, ống phế quản hẹp lại, khiến không khí lưu thông bị hạn chế và gây khó thở
Khi gặp trời lạnh, triệu chứng khó thở của hen suyễn có thể nặng hơn. Một nghiên cứu công bố vào năm 2014 ở Trung Quốc cho thấy số người nhập viện vì hen suyễn sẽ tăng vào những tháng mùa đông.
Một nghiên cứu khác ở Phần Lan phát hiện có tới 82% những người bị hen suyễn sẽ thở gấp khi tập thể dục trong trời lạnh. Khi tập thể dục, cơ thể sẽ cần nhiều Oxy hơn. Do đó, nhịp thở cũng sẽ tăng lên. Thông thường, mọi người sẽ thở bằng miệng để lấy không khí nhiều hơn.
Trời lạnh, nhiều bệnh nhân hen suyễn lên cơn cấp tính (nguồn: Internet)
Nếu thở bằng mũi thì không khí sẽ được làm ấm trước khi vào phổi do trong mũi có rất nhiều mạch máu nhỏ. Tuy nhiên, thở bằng miệng thì không khí sẽ không được làm ấm.
Tập thể dục ngoài trời lạnh cộng với việc thở bằng miệng sẽ khiến không khí lạnh khô đi trực tiếp vào phổi. Điều này sẽ làm tăng khả năng lên cơn hen suyễn. Trời lạnh tác động tiêu cực đến hen suyễn vì những nguyên nhân sau:
Không khí lạnh khô
Phế quản được phủ bởi một lớp chất lỏng. Khi hít thở quá nhiều không khí lạnh khô, lớp chất lỏng này sẽ bốc hơi nhanh và không kịp tái tạo. Phế quản khi quá khô sẽ dễ bị kích ứng và sưng lên, làm trầm trọng hơn các triệu chứng hen suyễn.
Không khí lạnh cũng khiến phế quản sản sinh ra một chất gọi là histamin. Đây là chất cơ thể tiết ra khi bị dị ứng. Histamin sẽ gây thở khò khè và nhiều triệu chứng khác của hen suyễn.
Lạnh làm tăng tiết chất nhầy
Phế quản cũng được bảo vệ bằng một lớp chất nhầy. Lớp chất nhầy này sẽ giữ lại bụi bẩn và các phân tử có hại cho cơ thể. Khi trời lạnh, cơ thể sẽ sản sinh nhiều chất nhầy hơn. Tuy nhiên, chất nhầy cũng đặc và dính.
Chất nhầy trong mũi và họng quá nhiều sẽ dễ gây ra các triệu chứng giống cảm lạnh. Với phế quản, chất nhầy đặc và nhiều sẽ gây thở khò khè.
Dễ bị cảm cúm hơn khi trời lạnh
Trời lạnh sẽ khiến mọi người dễ bị cảm lạnh, cúm và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác. Những bệnh này sẽ là nguyên nhân khiến các triệu chứng hen suyễn thêm nặng.
Những cơn gió vào mùa đông khi bay vào nhà có thể thổi tung bụi bẩn, nấm mốc và lông chó mèo. Đây đều là những thứ gây dị ứng và kích hoạt cơn hen suyễn ở một số người.
2. Thuốc điều trị hen suyễn:
Bạn nên có kế hoạch đến khám bác sĩ để chuẩn bị cho bệnh hen suyễn khi mùa đông đến. Bác sĩ có thể kê cho bạn dùng thuốc mỗi ngày (thuốc kiểm soát dài hạn) hoặc dùng thuốc chỉ khi cần (thuốc cắt cơn).
Thuốc kiểm soát dài hạn là loại thuốc bạn dùng hàng ngày để kiểm soát các triệu chứng hen suyễn, bao gồm:
• Corticosteroid dạng hít (fluticason, budesonid, …)
• Thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài (salmeterol, bambuterol, …)
• Thuốc đối kháng thụ thể leukotriene (montelukast)
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý: Thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài luôn được sử dụng cùng với corticosteroid dạng hít.
Thuốc cắt cơn là loại thuốc mà bạn chỉ dùng khi lên cơn hen suyễn. Thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn và thuốc kháng cholinergic là ví dụ của những loại thuốc này.
Cha mẹ cần để ý bệnh hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh (nguồn: Internet)
3. Làm thế nào để tránh các cơn hen suyễn khi trời lạnh?
Để ngăn ngừa các cơn hen suyễn, hãy cố gắng ở trong nhà khi nhiệt độ xuống thấp. Nếu bạn phải đi ra ngoài, hãy che mũi và miệng bằng một chiếc khăn để làm ấm không khí trước khi hít vào.
Dưới đây là một vài lời khuyên khác trong kiểm soát cơn hen vào mùa đông:
• Uống thêm nước vào mùa đông: Giúp giữ cho chất nhầy trong phổi mỏng hơn và dễ dàng loại bỏ chất nhầy.
• Cố gắng tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh cảm cúm
• Tiêm vắc-xin cúm vào mùa thu.
• Hút bụi và lau nhà thường xuyên để loại bỏ các chất gây dị ứng trong nhà.
• Giặt khăn trải giường, chăn mỗi tuần để loại bỏ mạt bụi.
Dưới đây là một số cách để ngăn ngừa cơn hen suyễn khi bạn tập thể dục ngoài trời trong trời lạnh:
• Sử dụng khí dung 15 - 30 phút trước khi tập thể dục giúp mở ra đường thở để bạn có thể thở dễ dàng hơn.
• Mang theo khí dung trong trường hợp bạn bị lên cơn hen suyễn.
• Làm nóng cơ thể ít nhất 10 - 15 phút trước khi bạn tập thể dục.
• Đeo mặt nạ hoặc khăn quàng trên mặt để làm ấm không khí hít vào.
Hen suyễn là bệnh hô hấp nguy hiểm, vì thế cần chú ý đến các tác nhân gây bệnh, ảnh hưởng đến các triệu chứng của bệnh rất quan trọng. Đặc biệt khi thời tiết thay đổi người bệnh cần chú ý để kiểm soát thật tốt các cơn hen để hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Bài viết được cung cấp bởi Davipharm
Nguồn: healthline