Thông tin Sức khỏe Thứ ba, ngày 10/10/2023

Bệnh nhược cơ - myasthenia gravis - những dấu hiệu nhận biết và thuốc điều trị


Bệnh nhược cơ - myasthenia gravis - những dấu hiệu nhận biết và thuốc điều trị

Bệnh nhược cơ (myasthenia gravis) là gì

Bệnh nhược cơ là bệnh lý tự miễn, gây bất thường trong dẫn truyền thần kinh – cơ, dẫn đến triệu chứng yếu cơ ở hầu hết các cơ ở bệnh nhân, đặc biệt là các cơ kiểm soát mắt, nét mặt, nhai, nuốt và nói. Bệnh lý thường gặp ở phụ nữ dưới 40 tuổi và nam giới trên 60 tuổi. 

Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh nhược cơ


Nhược cơ là một tình trạng tự miễn dịch, có nghĩa là tình trạng mà hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào một bộ phận khỏe mạnh của cơ thể. Cụ thể hơn, hệ thống miễn dịch làm tổn thương hệ thống liên lạc giữa dây thần kinh và cơ, khiến cơ yếu và dễ mệt mỏi.
Nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng này còn chưa được làm rõ, nhiều tài liệu khoa học cho thấy nhược cơ là vấn đề có liên quan đến tuyến ức (một tuyến ở ngực, là một phần của hệ thống miễn dịch). Nhiều người bị bệnh nhược cơ có tuyến ức lớn hơn bình thường. Khoảng 1 trong 10 người có sự phát triển bất thường của tuyến ức được gọi là u tuyến ức.
 
tuyen-uc.jpg
Hình 1: Bất thường của tuyến ức được cho là nguyên nhân dẫn đến bệnh lý nhược cơ

Triệu chứng nhận biết bệnh nhược cơ là gì?


Các triệu chứng thường gặp của bệnh nhược cơ bao gồm:
- Sụp mí mắt 
- Nhìn đôi (nhìn một vật thành hai vật)
- Khó kiểm soát cơ mặt
- Khó nhai, khó nuốt
- Nói lắp
- Yếu cơ tay, chân hoặc cổ 
- Khó thở và đôi khi khó thở nghiêm trọng
Các triệu chứng yếu cơ thường nhanh chóng xuất hiện sau vận động liên tiếp, gắng sức và sẽ giảm khi nghỉ ngơi. Các triệu chứng cũng thay đổi tùy thuộc thời gian trong ngày, bệnh nhân nhược cơ sẽ có cảm giác mệt mỏi nhất vào cuối ngày, và khỏe hơn vào sáng hôm sau.

sup-mi-mat.jpg
Hình 2: Sụp mí mắt, nhìn đôi, khó kiểm soát cơ mặt là các triệu chứng đầu tiên của bệnh lý nhược cơ (Nguồn: internet)

Bệnh nhược cơ có nguy hiểm không?


Bệnh nhược cơ là bệnh lý diễn tiến lâu dài, triệu chứng có thể diễn tiến trong nhiều tuần, nhiều tháng hoặc thậm chí là nhiều năm. Đáng chú ý, nhược cơ là tình trạng hiếm khi tự khỏi mà cần có can thiệp bằng thuốc hoặc phẫu thuật. 
Vì vậy, cần nhận biết các triệu chứng của bệnh nhược cơ để xác định sớm bệnh lý và có biện pháp can thiệp kịp thời. 

Điều trị bệnh nhược cơ bằng thuốc


Bên cạnh các phương pháp điều trị xâm lấn như phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức hay thay huyết tương, điều trị bằng thuốc là cần thiết ở hầu hết các bệnh nhân nhược cơ.  

Một số nhóm thuốc phổ biến điều trị nhược cơ gồm:

Nhóm thuốc ức chế cholinesterase, như pyridostigmin (Lambertu, Mestinon, Rimezig), neostigmin, ambenonium, edrophonium: Các thuốc ức chế cholinesterase giúp giảm triệu chứng yếu cơ hiệu quả bằng cách khôi phục sự dẫn truyền thần kinh-cơ, liều lượng thuốc cần được điều chỉnh theo từng ngày bởi bác sĩ để phù hợp với mức độ nặng nhẹ của bệnh. 
Nhóm thuốc corticoid, như methylprenisolon (Metilone, Metilone-4, Medrol): Corticoid hoạt động bằng cách làm giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch để ngăn chặn sự tấn công hệ thống liên lạc giữa các dây thần kinh và cơ bắp. Corticoid thường được bắt đầu sử dụng tại bệnh viện nếu bệnh nhân gặp vấn đề về nuốt hoặc thở hoặc nếu các triệu chứng ngày càng trầm trọng hơn. 
Nhóm thuốc ức chế miễn dịch, như azathioprin (Wedes, Imurel, Imuran): Nhóm thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng nếu corticoid không kiểm soát được các triệu chứng nhược cơ hoặc corticoid gây ra tác dụng phụ đáng kể. 

Việc lựa chọn thuốc và liều lượng sử dụng cần có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. 

Bài viết được cung cấp bởi Davipharm

Tài liệu tham khảo: https://www.nhs.uk/conditions/myasthenia-gravis/ 

- Thuocbietduoc.com.vn cung cấp thông tin về hơn 30.000 loại thuốc theo toa, thuốc không kê đơn. - Các thông tin về thuốc trên Thuocbietduoc.com.vn cho mục đích tham khảo, tra cứu và không dành cho tư vấn y tế, chẩn đoán hoặc điều trị. - Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ
- Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Thuocbietduoc.com.vn
Thông tin Thuốc và Biệt Dược
- Giấy phép ICP số 235/GP-BC.
© Copyright Thuocbietduoc.com.vn
- Email: contact.thuocbietduoc@gmail.com