Sử dụng thuốc giảm đau trong cơn gút cấp
Bệnh gút là bệnh lý rối loạn chuyển hóa acid uric, dẫn đến lắng đọng các tinh thể monosodium ở tổ chức (bao hoạt dịch và tổ chức quanh khớp, ống thận và nhu mô thận), thường khởi phát ở nam giới tuổi từ 40 – 60 và ở nữ giới sau mãn kinh. Tần suất xuất hiện của bệnh gút tăng đáng kể theo tuổi và tương quan với sự gia tăng của nồng độ acid uric huyết thanh.
Bệnh gút là một trong những bệnh lý viêm khớp gây đau đớn nhất và ảnh hưởng chất lượng sống. Hiện bệnh gút đứng thứ 4 trong 15 bệnh viêm khớp thường gặp. Đây là căn bệnh nguy hiểm với những biến chứng khó chữa trị như: biến dạng khớp, nhiễm khuẩn huyết, suy thận, thậm chí tàn phế.
Viêm khớp do bệnh gút cấp bắt đầu với đau đột ngột, thường gặp nhất là vị trí khớp bàn ngón chân cái (60 - 70%). Cơn đau xuất hiện đột ngột vào ban đêm, người bệnh thức dậy vì đau ở khớp, khớp sưng to, đỏ, phù nề, căng bóng, nóng, đau dữ dội và ngày càng tăng, va chạm nhẹ cũng rất đau, thay đổi thứ tự từ bàn chân, cổ chân, gối, bàn tay, cổ tay, khuỷu tay, hiếm thấy ở khớp háng, vai, cột sống. Lúc đầu chỉ viêm một khớp sau đó có thể viêm nhiều khớp.

Sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả và an toàn
(Ảnh minh họa – nguồn internet)
Thuốc giảm đau ở bệnh nhân bị viêm khớp do cơn gút cấp
Các cơn đau do viêm khớp ở bệnh nhân gút ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sinh hoạt và làm việc của bệnh nhân, vì vậy việc sử dụng các biện pháp giảm đau là rất quan trọng. Bệnh nhân nên đi khám bác sĩ để được tư vấn cụ thể, bởi vì việc lựa chọn thuốc điều trị cắt cơn gút sẽ thay đổi tùy vào tình trạng thực tế của từng người. Bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố như độ nặng của bệnh, số lượng khớp tổn thương, thời gian đau, tiền căn dị ứng thuốc của bệnh nhân, tác dụng phụ, chống chỉ định của thuốc và đánh giá nguy cơ trên tim mạch, thận, tiêu hóa… để lựa chọn thuốc điều trị phù hợp.
Với tình trạng viêm khớp trong cơn gút cấp tính thì mục tiêu điều trị là loại bỏ cơn đau và sưng cấp ở các khớp bị ảnh hưởng, với nguyên tắc điều trị sớm, nhanh, mạnh. Chính vì vậy các loại thuốc có thể dùng bao gồm:
- Nhóm thuốc kháng viêm, giảm đau không steroid (NSAID) như naproxen, ketoprofen, etoricoxib, celecoxib… được ưu tiên ở bệnh nhân không có các bệnh lý khác đi kèm, nên chọn loại có tác dụng nhanh bắt đầu với liều cao trong 2 – 3 ngày đầu và giảm liều trong khoảng 2 tuần. Đây là nhóm thuốc có tác dụng giảm đau nhanh, mạnh. Để hạn chế tác dụng phụ trên dạ dày, bác sĩ có thể kê đơn phối hợp với thuốc ức chế bơm proton như omeprazol, rabeprazol, pantoprazol, esomeprazol…
- Thuốc corticosteroid: Sử dụng ở những bệnh nhân mà không thể dùng thuốc kháng viêm giảm đau không steroid (NSAID) hoặc colchicin do không dung nạp hoặc chống chỉ định, có thể dùng đường uống, tĩnh mạch, tiêm bắp, tiêm vào khớp. Có thể dùng prednisolon liều 20 – 50 mg từ 1-3 ngày, sau đó giảm liều trong 2 tuần. Thuốc chống chỉ định với người loét dạ dày tá tràng.
- Colchicin: Hiện nay colchicin là lựa chọn thứ 2 trong điều trị gút cấp vì cửa sổ trị liệu hẹp và độc tính của thuốc. Liều colchicin trong điều trị cơn gút cấp được khuyến cáo 0,5 mg x 3 lần/ngày.
- Trong những trường hợp gút cấp tính nặng liên quan nhiều khớp hoặc dùng một thuốc không đáp ứng thì bác sĩ có thể phối hợp thuốc để đạt hiệu quả giảm đau mong muốn, ví dụ như colchicin và etoricoxib.
Sau khi đợt gút thuyên giảm, bệnh nhân có thể cần phải điều trị liên tục để duy trì nồng độ axit uric ở mức bình thường nhằm ngăn ngừa các đợt tái phát tiếp theo. Một số trường hợp trong đợt gút cấp bệnh nhân cũng sẽ được bác sĩ kê toa cho các loại thuốc giảm nồng độ axít uric trong máu và ngăn ngừa sự lắng đọng axít uric trong khớp, thận và các mô như allopurinol, febuxostat, lesinurad và probenicid.
Người bị bệnh gút vẫn nên tiếp tục dùng thuốc khi tình trạng bệnh tốt hơn, cần lưu ý rằng gút là căn bệnh về axit uric, vì vậy phải luôn duy trì mức axit uric trong cơ thể thấp bằng cách dùng thuốc mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tuân thủ phác đồ điều trị và thực hiện chế độ ăn uống kiêng rượu bia, các loại thịt đỏ và nội tạng động vật, hải sản. Bệnh gút rất hay tái phát nên người bệnh cũng cần đi khám bệnh định kỳ để theo dõi chỉ số acid uric máu nhằm tiên lượng sớm cho các đợt gút tái phát.
Bài viết được cung cấp bởi Davipharm.
Nguồn tham khảo:
• Hướng dẫn điều trị bệnh gút – Bộ Y tế
• Bệnh viện nhân dân 115