Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường là bệnh mạn tính với biểu hiện lượng đường (glucose) trong máu cao hơn mức bình thường do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin (hóc môn làm giảm lượng đường trong máu), dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.Năm 2019, trên toàn thế giới có 463 triệu người lớn (độ tuổi 20-79) tương đương 1 trong 11 người trưởng thành đang sống với bệnh đái tháo đường. Dự đoán vào năm 2045, con số này sẽ tăng tới khoảng 700 triệu người, hay nói cách khác 1 người trong 10 người lớn sẽ có bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, gần một nửa số người đang sống với bệnh đái tháo đường (độ tuổi 20-79) không được chẩn đoán (46,5%), tỷ lệ này ở khu vực Tây Thái Bình Dương là 52.1%. Ước tính hơn 4 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường trong năm 2019. Bệnh đái tháo đường gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù.
Các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh đái tháo đường
- Khát nước và uống nước nhiều: bạn sẽ cảm thấy khát hơn bình thường.
- Đi tiểu nhiều lần và lượng nước tiểu nhiều hơn bình thường, không tiểu buốt
- Mệt mỏi thường xuyên, cơ thể yếu kém. Glucose không được chuyển hóa thành năng lượng nuôi dưỡng cơ thể và tăng đào thải qua thận nên dẫn đến thiếu năng lượng, gây mệt mỏi quá mức, suy nhược cơ thể.
- Ăn nhiều nhưng sụt cân: Glucose trong máu người bị đái tháo đường tăng cao nhưng không thể sử dụng để chuyển hóa thành năng lượng được nên chất béo sẽ là nguồn thay thế để sử dụng tạo ra năng lượng cho cơ thể. Điều này dẫn đến sụt cân đột ngột.
- Thị lực giảm, nhìn mờ do đái tháo đường ảnh hưởng đến mạch máu nuôi võng mạc mắt.
- Viêm nướu, viêm họng thường xuyên do hệ miễn dịch bị tổn thương, cơ thể khó chống lại các loại vi khuẩn gây bệnh, lợi là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất. :
- Xuất hiện nhiều vết thâm nám, đặc biệt ở những vùng có nếp nhăn, nếp gấp da
- Vết thương lâu lành hơn, đặc biệt là vết thương ngoài da, đôi khi hoại tử nhiễm trùng (loét bàn chân, cắt cụt chi).
- Tê, ngứa, cảm giác kiến bò ở tay chân do sự tổn thương các dây thần kinh trong bệnh lý đái tháo đường
- Rối loại cương dương cũng là một biểu hiện thường gặp ở nam giới bị đái tháo đường.
Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường giai đoạn đầu rất khó xác định do không điển hình và dễ nhầm lẫn với triệu chứng các bệnh khác. Tuy nhiên, nếu chúng ta quan tâm theo dõi sức khỏe thì có thể phát hiện được bệnh đái tháo đường từ sớm, và từ đó có hướng điều trị kịp thời để giảm các nguy cơ, biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.
Khuyến cáo làm xét nghiệm để tầm soát, phát hiện đái tháo đường
Tương tự như tăng huyết áp, đái tháo đường được xem kẻ giết người thầm lặng do những tiến triển âm thầm, phát hiện trễ, điều trị chưa đúng cách. Do đó, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, những đối tượng sau nên chủ động làm xét nghiệm để tầm soát, phát hiện sớm bệnh lý đái tháo đường:
Người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào có thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥ 23 kg/m2) và có kèm một trong số các yếu tố nguy cơ sau:
- Có người thân đời thứ nhất ( bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ ) bị đái tháo đường
- Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch
- Tăng huyết áp (Huyết áp ≥ 140/90 mmHg, hoặc đang điều trị tăng huyết áp)
- HDL cholesterol < 35 mg/dL (0,9mmol/L) và/hoặc triglyceride >250mg/dL (2,8mmol/L)
- Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang
- Ít hoạt động thể lực
- Các tình trạng lâm sàng khác liên quan với kháng insulin (như dấu gai đen: acanthosis nigricans).
Phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ cần theo dõi lâu dài, xét nghiệm ít nhất mỗi 3 năm.
Tất cả mọi người từ 45 tuổi trở lên
Nếu các kết quả bình thường, xét nghiệm sẽ được làm lại trong vòng 1- 3 năm sau hoặc ngắn hơn tùy theo kết quả ban đầu và các yếu tố nguy cơ.
Điều trị đái tháo đường
Thay đổi lối sống: hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá, tập thể dục vận động, dinh dưỡng hợp lý.
Insulin: là liệu pháp bắt buộc với người bị đái tháo đường típ 1, với nhiều loại insulin khác nhau như insulin tác dụng tức thời, tác dụng ngắn, tác dụng trung bình, tác dụng kéo dài, dạng hỗn hợp. Trong một số trường hợp, bệnh nhân đái tháo đường típ 2 được kê đơn insulin phối hợp với các thuốc đường uống để kiểm soát đường huyết.
Các thuốc đường uống kinh điển thường sử dụng điều trị đái tháo đường típ 2 như như metformin, acarbose, glimepirid, gliclazid…hay thuốc mới phát minh trong 2 thập kỷ gần đây như sitagliptin, saxagliptin, empagliflozin, dapagliflozin…
Tùy tình trạng đường huyết, đáp ứng lâm sàng và điều kiện kinh tế của bệnh nhân, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp. Bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả và an toàn điều trị, kiểm soát đường huyết tối ưu, hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong do tăng đường huyết dai dẳng.
Bài viết được cung cấp bởi Davipharm.
Nguồn tham khảo:
• Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
• Báo Sức khỏe & đời sống