Tiểu đường Thứ tư, ngày 3/11/2021

Chăm sóc bàn chân đái tháo đường sao cho đúng cách

Cứ 30 giây sẽ có một ca cắt cụt chi do đái tháo đường và phần lớn những trường hợp này có tổn thương ban đầu là loét chân, khoảng 15-25% bệnh nhân đái tháo đường sẽ xuất hiện loét chân, hơn 70% bệnh nhân loét chân sẽ bị tái phát trong 5 năm.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đái tháo đường có thể gây ra loét bàn chân, cắt cụt chi. Bệnh nhân đái tháo đường khi bị tổn thương loét bàn chân có nguy cơ cắt cụt chi cao gấp 10 – 15 lần so với người không bị đái tháo đường.

Kiểm soát đường huyết kém là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh lý thần kinh và bệnh mạch máu chi dưới. Nồng độ đường trong máu tăng cao gây tổn thương mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh, đồng thời cũng sinh ra những chất gây độc và phá hủy dây thần kinh. Ngoài ra, các mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh bị tổn thương cũng ảnh hưởng đến sự cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cho dây thần kinh, về lâu dài sợi dây thần kinh cũng suy mòn.

Tê bì, nóng rát, mất cảm giác, là những biểu hiện đầu tiên của biến chứng bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường

Dấu hiệu ban đầu: Bệnh nhân cảm thấy tê bì ở chân, đau, nóng rát, những cảm giác như bị châm chích, kim đâm, hay kiến bò xuất hiện ở gan bàn chân 
Càng ngày, tình trạng này càng nặng và tăng về đêm khiến bệnh nhân mất ngủ. Những cơn đau có thể kéo dài hoặc xuất hiện từng đợt. Đau làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân, bác sĩ có thể kê một số thuốc giảm đau trong trường hợp này như pregabalin, gabapentin, duloxetine, …
Khi dây thần kinh ở chân bị tổn thương nặng, bệnh nhân bị rối loạn cảm giác hoặc mất cảm giác hoàn toàn ở khu vực này, nên khi bệnh nhân dẫm phải những vật sắc nhọn sẽ không có cảm giác nên không chăm sóc. Vết thương ở bàn chân không lành, càng ngày càng nặng lên dẫn đến hoại tử, phải cắt cụt chân.

Bệnh nhân cần chăm sóc bàn chân thế nào cho đúng?


Nếu thực hiện tốt việc dự phòng có thể giảm tỷ lệ cắt cụt chi lên đến 85%. Ngoài duy trì lối sinh hoạt lành mạnh và kiểm soát đường huyết chặt chẽ, người bệnh cần chú ý chăm sóc bàn chân mỗi ngày:

1. Kiểm tra bàn chân hàng ngày: 

Kiểm tra bàn chân tìm kiếm các vết chai, vết nứt, vết thâm, các cục u, các sẩn, bóng nước... Có thể dùng gương để hỗ trợ hoặc nhờ người thân giúp đỡ.
Kiểm tra bàn chân thường xuyên giúp phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm hay bất thường. Nên so sánh 2 chân với nhau, khi bàn chân thay đổi hình dạng và có dấu hiệu bị nhiễm trùng thì cần đi khám ngay.

2. Rửa chân hàng ngày:
Rửa bàn chân mỗi ngày bằng nước ấm sau đó lau khô nhẹ nhàng bằng khăn mềm. Không nên ngâm chân trong nước quá lâu.

Với trường hợp da khô, có thể dùng kem giữ ẩm (nhưng cần tránh thoa vào vùng giữa các ngón chân).

cham-soc-chan.jpg

3. Không đi chân trần: 

Nên mang dép, tất khi đi trong nhà để tránh bị dẫm vào những vật sắc sọn. Kiểm tra để đảm bảo rằng không có cát hoặc sỏi trong dép và tất.

4. Mang giầy, tất phù hợp với bàn chân:

Lựa chọn loại giầy phù hợp, thời điểm lựa chọn giầy tốt nhất là vào buổi chiều (vì lúc đó bàn chân lớn nhất). Lựa chọn các loại giày rộng và sâu ở mũi, có đệm gót chân chắc chắn, lót trong nhẵn. 
Luôn đi tất kèm với giày. Nên chọn tất bằng len hoặc cotton. Tất cao đến đầu gối không được khuyên dùng.

5. Cắt móng chân đúng cách: 

Để giúp móng có thể dễ cắt hơn, nên cắt móng sau khi tắm rửa. Cắt móng chân theo đường ngang. Tránh cắt móng sâu vào phía trong và dùng giũa để giũa những góc sắc nhọn và những cạnh thô ráp. 

6. Đừng tự loại bỏ những vết chai sần trên chân: 

Các phương pháp như cắt hoặc sử dụng thuốc bôi có thể gây bỏng rát chân, nên hỏi ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn

7. Khám chân định kì: 

Với những bệnh nhân chưa xuất hiện biến chứng có thể thăm khám mỗi năm. Những bệnh nhân đã xuất hiện biến chứng thần kinh hoặc bệnh động mạch ngoại biên cần thăm khám sau mỗi 3-6 tháng.

8. Giữ cho mạch máu được lưu thông:

Khi ngồi, không bắt chéo chân. Ngoài ra, việc lắc lư, cử động ngón chân vài phút từ vài lần trong ngày cũng giúp tăng cường lưu lượng máu đến các ngón chân 

9. Có lối sống vận động lành mạnh, vận động vừa sức: bằng các hoạt động như đi bộ, đạp xe hoặc bơi lội, … 

Để phòng ngừa biến chứng bàn chân do đái tháo đường, bệnh nhân cần biết cách thường xuyên tự kiểm tra và chăm sóc bàn chân. Đồng thời luôn tuân thủ phác đồ điều trị, có chế độ sinh hoạt lành mạnh, kiểm soát đường huyết chặt chẽ và khám bệnh đều đặn để tầm soát các biến chứng có thể xảy ra.

Bài viết được cung cấp bởi Davipharm.

Nguồn tham khảo:
Bộ Y Tế
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC)
Bệnh viện 115

- Thuocbietduoc.com.vn cung cấp thông tin về hơn 30.000 loại thuốc theo toa, thuốc không kê đơn. - Các thông tin về thuốc trên Thuocbietduoc.com.vn cho mục đích tham khảo, tra cứu và không dành cho tư vấn y tế, chẩn đoán hoặc điều trị. - Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ
- Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Thuocbietduoc.com.vn
Thông tin Thuốc và Biệt Dược
- Giấy phép ICP số 235/GP-BC.
© Copyright Thuocbietduoc.com.vn
- Email: contact.thuocbietduoc@gmail.com