Lơ là kiểm soát đường huyết - Hậu quả khôn lường!
Đái tháo đường (hay còn gọi là bệnh tiểu đường) là một bệnh lý mạn tính biểu hiện bằng lượng đường trong máu tăng cao. Bệnh xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ hóc môn kiểm soát nồng độ đường huyết trong máu (insulin) hoặc khi cơ thể không đáp ứng được với hóc môn insulin.Đái tháo đường có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trên cơ thể, đặc biệt là các dây thần kinh và mạch máu.Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu (Tiếng Anh là: Non communicable disease, viết tắt là NCDs) với tỷ lệ hiện mắc gia tăng đều đặn trong những năm gần đây. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến năm 2015 tại Việt Nam, 4,1% người từ 18-69 tuổi đang sống chung với bệnh tiểu đường. Tuy nhiên chỉ có khoảng 28,9% bệnh nhân đái tháo đường được điều trị, điều đó có nghĩa là có đến hơn 70% bệnh nhân chưa được chẩn đoán điều trị và không biết mình đang mắc bệnh.
Biến chứng nguy hiểm khi không kiểm soát đường huyết?
Nhiều bệnh nhân khi mới được chẩn đoán đái tháo đường thì rất tuân thủ điều trị, kiểm soát đường huyết chặt chẽ trong những tháng đầu. Tuy nhiên, sau đó họ dần dần lơ là việc tuân thủ điều trị dẫn đến thất bại trong kiểm soát đường huyết và gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm, có thể gây tử vong:
Biến chứng tim mạch: Đường huyết tăng cao gây nên rối loạn mỡ máu, nội mô khiến mạch máu bị tổn thương, việc hình thành các mảng xơ vữa dẫn đến giảm lượng máu nuôi dưỡng các cơ quan (tim, não, bàn chân…) hoặc tạo ra các cục máu đông gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Biến chứng thận: Đường huyết tăng cao gây tổn thương đến vi mạch máu trong thận, từ đó suy giảm chức năng lọc của thận, dẫn đến suy thận.
Biến chứng bàn chân: Biến chứng xảy ra do tổn thương thần kinh và mạch máu nuôi bàn chân. Ban đầu chỉ xuất hiện các cảm giác đau, tê bì, nóng rát đồng thời da trở nên khô và thiếu đàn hồi. Lâu dần, bệnh nhân bị mất cảm giác ở bàn chân nên khi dẫm phải những vật sắc nhọn sẽ không có cảm giác và không chăm sóc. Vết thương hoại tử ở bàn chân không lành, càng ngày càng nặng lên dẫn đến phải cắt cụt chân.
Biến chứng trên mắt: Đường huyết cao khiến hệ thống mao mạch ở đáy mắt bị tổn thương. Dần dần, thị lực của người mắc đái tháo đường có thể bị suy giảm hoặc tệ hơn, có thể dẫn đến mù lòa.
Kiểm soát đường huyết chặt chẽ - yếu tố sống còn của bệnh nhân:
Việc theo dõi đường huyết thường xuyên giúp người mắc đái tháo đường hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình, từ đó có ý thức tuân thủ tốt việc điều trị và điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp để giữ đường huyết ở mức an toàn. Các chỉ số đường huyết cũng là cơ sở giúp bác sĩ theo dõi được tình hình người bệnh để đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất.
1. Điều trị không dùng thuốc:
+ Lên kế hoạch các bữa ăn theo hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế
+ Hạn chế các thức ăn giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, đường và muối
+ Nên ăn các thực phẩm có nhiều chất xơ
+ Chọn thức ăn như trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì và ngũ cốc, và các chế phẩm từ sữa ít béo
+ Đảm bảo lượng nước cho nhu cầu cơ thể hằng ngày
+ Đề ra mục tiêu rèn luyện thể chất, vận động đều đặn. Bắt đầu từ từ bằng cách đi bộ 10 phút, 3 lần một ngày.
+ Duy trì cân nặng ở mức lý tưởng bằng việc ăn uống khoa học và vận động nhiều hơn.
2. Điều trị dùng thuốc:
a. Điều trị bằng tiêm insulin: là thuốc sử dụng bắt buộc ở người bệnh đái tháo đường tuýp 1 và trong một số trường hợp đái tháo đường tuýp 2 không kiểm soát đường huyết bằng thuốc uống. Rất nhiều dạng insulin điều trị đái tháo đường được phân chia dựa vào thời gian bắt đầu tác dụng và thời gian kéo dài của tác dụng: tác dụng tức thời, tác dụng ngắn, tác dụng trung bình, tác dụng kéo dài, dạng hỗn hợp.
Người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ khi sử dụng insulin. Khoảng thời gian giữa khi tiêm thuốc và bữa ăn có thể thay đổi phụ thuộc vào loại insulin đang sử dụng, thông thường sẽ phối hợp việc sử dụng thuốc với bữa ăn.
b. Điều trị bằng thuốc uống:
Có nhiều loại thuốc uống trị đái tháo đường. Tùy vào tình trạng đường huyết, các bệnh lý đi kèm, ... bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp cho từng người bệnh. Điều quan trọng là người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để thuốc đạt được hiệu quả và an toàn cao nhất.
Một vài nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam:
• Ức chế tổng hợp glucose ở gan (metformin)
• Giảm hấp thu đường (glucose) từ hệ tiêu hóa (acarbose)
• Tăng đào thải đường (glucose) ra khỏi cơ thể thông qua bài tiết nước tiểu (canagliflozin, ertugliflozin, ….)
Lưu ý:
• Dùng thuốc đúng giờ, đúng liều theo đơn của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất, đồng thời việc sử dụng thuốc tại một thời điểm cố định trong ngày cũng giúp bệnh nhân tránh quên thuốc. Sử dụng thuốc không nhất quán giữa các mốc thời gian có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.
• Khi thấy đường huyết ổn định, bệnh nhân tuyệt đối không được ngưng thuốc đột ngột vì có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Đái tháo đường là một bệnh lý liên quan đến rối loạn chuyển hóa, biểu hiện bằng nồng độ đường trong máu tăng cao. Bệnh đái tháo đường nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm trên tim mạch, thận, mắt, …. Do đó, bệnh nhân đái tháo đường cần phải kiểm soát đường huyết chặt chẽ bằng một lối sống phù hợp và sử dụng thuốc hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bài viết được cung cấp bởi Davipharm
Nguồn tham khảo:
• Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
• Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC)
• Báo Sức khỏe và đời sống