RỐI LOẠN GIẤC NGỦ LIÊN QUAN ĐẾN NHỊP SINH HỌC
Chúng ta đều biết, mỗi người đều có “một đồng hồ sinh học” kiểm soát các hoạt động và các chức năng của cơ thể, bao gồm việc đi ngủ và thức dậy. Đồng hồ sinh học quay vòng 24 giờ một lần. Những chu kỳ 24 giờ lặp đi lặp lại này được gọi là nhịp sinh học.Bình thường, cơ thể sẽ điều chỉnh nhịp sinh học thức – ngủ theo các tín hiệu từ môi trường, chẳng hạn như khi trời sáng, khi trời tối, khi ăn và khi hoạt động thể chất. Khi chu kỳ thức – ngủ của bạn không đồng bộ với môi trường, bạn dễ gặp phải một số tình trạng như mất ngủ, mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày, giảm tỉnh táo, khó tập trung, những giấc ngủ bị gián đoạn liên tục gây trở ngại cho sinh hoạt hàng ngày. Đây có thể là một chỉ dấu cho sự rối loạn giấc ngủ liên quan đến nhịp sinh học.

Những kiểu rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học và những đối tượng dễ gặp phải:
• Rối loạn nhịp thức ngủ pha trễ: đặc trưng bởi thời gian đi ngủ rất trễ, thường là vài giờ sau nửa đêm và dậy muộn vào buổi sáng, thậm chí đến buổi trưa. Tình trạng này phổ biến ở tuổi dậy thì cho đến khi trưởng thành với tỷ lệ khoảng 7 – 16%.
• Rối loạn nhịp thức ngủ pha sớm: đặc trưng bởi tình trạng đi ngủ sớm hơn người bình thường (tầm 6 – 9 giờ tối) và thức dậy từ rất sớm (2 – 5 giờ sáng). Tình trạng này ảnh hưởng đến 1% người ở độ tuổi trung niên và càng phổ biến theo sự tăng dần của tuổi tác.
• Rối loạn nhịp thức ngủ khi thay đổi múi giờ (Jet - lag): xảy ra khi di chuyển nhanh từ múi giờ này sang một múi giờ khác, lúc này cơ thể chưa kịp thích ứng với múi giờ ở địa điểm vừa đến mà nó vẫn còn hoạt động theo múi giờ ban đầu. Đây là tình trạng thường gặp khi đi công tác, du lịch đến các nước khác.
• Rối loạn nhịp thức ngủ do làm việc theo ca: xảy ra ở người làm việc vào ca đêm, ca sáng sớm và ca luân phiên. Mức độ nghiêm trọng tỷ lệ thuận với tần suất thay đổi ca, số đêm phải làm việc liên tiếp, thời gian của mỗi ca, …
• Rối loạn nhịp thức ngủ không đều: giấc ngủ bị chia thành nhiều giấc ngủ ngắn trong suốt 24 giờ trong ngày, thường gặp ở những người bị rối loạn nhận thức nặng, thoái hóa thần kinh, sa sút trí tuệ (Alzheimer), tâm thần phân liệt, bệnh nằm liệt.
• Rối loạn nhịp thức ngủ không theo 24 giờ: kiểu ngủ không được điều chỉnh theo chu kỳ 24 giờ, thường xảy ra khi não không nhận được tín hiệu ánh sáng từ môi trường xung quanh, phổ biến ở người khiếm thị.
Rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học ảnh hưởng như thế nào?
• Khó ngủ, mất ngủ liên miên, gây mệt mỏi về tinh thần.
• Mệt mỏi, thiếu tỉnh táo, khó tập trung, giảm hiệu suất làm việc.
• Tăng tỷ lệ mắc chứng trầm cảm, lo âu, stress.
• Hạn chế trong các sinh hoạt, giao tiếp xã hội.
Đây chính là những hậu quả dễ nhận thấy khi cơ thể bị rối loạn nhịp sinh học kéo dài và không được khắc phục sớm.
Một số biện pháp hữu ích giúp điều trị rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học
• Thay đổi lối sống: Một lối sống lành mạnh và tích cực, chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục thường xuyên tỏ ra hữu ích trong việc điều trị rối loạn nhịp sinh học.
• Vệ sinh giấc ngủ: là các biện pháp tạo điều kiện cho giấc ngủ đến dễ dàng hơn mà không cần dùng thuốc như: Không ngủ ngày quá nhiều, giấc ngủ trưa chỉ từ 15-30p; dọn dọn dẹp phòng ngủ thoáng mát, giường chiếu sạch sẽ, không sử dụng giường ngủ vào các việc khác như đọc báo, xem tivi, điện thoại, máy tính. Đồng thời, hãy luyện tập thói quen thức dậy vào một giờ cố định kể cả vào ngày nghỉ và khi đi du lịch.
• Ánh sáng trị liệu: là phương pháp trị liệu tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng nhân tạo.
• Dùng thuốc: ngoài các thuốc ngủ được sử dụng khá hạn chế bởi tác dụng phụ, nguy cơ lệ thuộc thuốc thì melatonin được sử dụng rất phổ biến trong điều chỉnh nhịp sinh học bởi tính an toàn, ít tác dụng phụ.
Vai trò của melatonin trong nhịp sinh học
Melatonin là hormon được sản xuất bởi tuyến tùng nằm ở giữa não, melatonin được tiết ra vào ban đêm và chịu trách nhiệm điều hòa nhịp sinh học thức – ngủ. Dùng melatonin vào đúng thời điểm và đúng liều có thể giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ hoặc điều chỉnh các rối loạn nhịp sinh học.

Trên lâm sàng, melatonin được ứng dụng rộng rãi, có thể kết hợp với ánh sáng trị liệu để giúp điều chỉnh nhịp thức ngủ phù hợp với môi trường bên ngoài, ví dụ như những người thường xuyên ngủ muộn, làm việc ca đêm, đi du lịch, đi công tác nước ngoài hoặc mắc bệnh lý thần kinh gây rối loạn nhịp sinh học…
Bài viết được cung cấp bởi Davipharm
Nguồn tham khảo:
• Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ (NHLBI)
• Hiệp hội Y học về Giấc ngủ Hoa Kỳ (AASM)