Thông tin Sức khỏe Thứ hai, ngày 25/10/2021

Đi tìm nguyên nhân để điều trị mất ngủ hiệu quả hơn!

Mất ngủ là một rối loạn giấc ngủ phổ biến, bao gồm ngủ không sâu giấc, khó đi vào giấc ngủ, thức dậy quá sớm và không thể quay lại giấc ngủ. Mất ngủ có thể gây tình trạng mệt mỏi khó chịu ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công việc và cuộc sống
Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, khoảng 1/3 dân số bị một trong nhiều triệu chứng mất ngủ, 18% dân số không thỏa mãn với giấc ngủ và 30% bệnh nhân mất ngủ có liên quan đến các bệnh lý tâm thần.

Bạn có thể bị mất ngủ do đâu?


Giấc ngủ làm phục hồi lại chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Giấc ngủ tốt khi đảm bảo đầy đủ về số lượng, chất lượng và thời gian ngủ, khi ngủ dậy cảm thấy khoan khoái, dễ chịu về thể chất và tâm thần, không bị ủ rủ, mệt mỏi. 

Các bệnh lý nội khoa (đái tháo đường, đau thắt ngực, suy tim, hen suyễn, đau mạn tính, viêm loét dạ dày tá tràng…) hoặc các rối loạn tâm thần, trầm cảm lo âu… được biết đến là những nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp mất ngủ liên quan đến các yếu tố tâm lý, cảm xúc (thi cử, phỏng vấn, mất người thân, thất nghiệp, khó khăn về tài chính, các sang chấn trong cuộc sống, ly hôn, covid-19...),

Về sinh lý giấc ngủ, các nhà khoa học chứng minh rằng giấc ngủ có liên quan mật thiết đến hormon nội sinh melatonin. Melatonin là một hormon được sản xuất từ tuyến tùng (tuyến nội tiết nhỏ nằm ở não), nó có vai trò quan trọng trong việc điều hòa chu kỳ thức – ngủ của cơ thể. Bình thường, tuyến tùng tiết đủ melatonin sẽ giúp cơ thể dễ đi vào giấc ngủ, ngủ sâu giấc và chất lượng giấc ngủ tốt. 

Khi cơ thể lão hóa (thường từ 40 tuổi trở đi) tuyến tùng có xu hướng tiết ra ít melatonin hơn, gây ảnh hưởng đến nhịp thức – ngủ cơ thể. Có thể nói sự sụt giảm melatonin là tác nhân khiến người lớn tuổi ngủ ít hơn và khó ngủ hơn. Chính vì thế, bổ sung melatonin là xu hướng được nhiều người sử dụng để cải thiện chất lượng giấc ngủ tốt hơn, đặc biệt là những người khó đi vào giấc ngủ.

Mất ngủ kéo dài dẫn đến những hệ quả


Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, mất ngủ có thể dẫn tới những ảnh hưởng nặng nề đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống như:

Ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hằng ngày: luôn cảm thấy mệt mỏi, không đủ sức làm việc, giảm khả năng tập trung gây cản trở trong công việc, học tập, thậm chí có thể gây ra tai nạn nghề nghiệp, tai nạn giao thông.

Đau lan tỏa: Người bệnh có thể kèm thêm các cơn đau cột sống, mỏi cổ, buốt xương sống, rối loạn cảm giác, hoa mắt, chóng mặt, các giác quan bị suy giảm...

Rối loạn thần kinh thực vật: Mạch không đều, tăng huyết áp, đau thắt ngực, rối loạn thân nhiệt, rối loạn cương dương, kinh nguyệt không đều, … cũng thường xuyên xuất hiện khi bị mất ngủ kéo dài.

Cảm xúc không ổn định: Người bị mất ngủ thường xuyên dễ nổi cáu, hay hồi hộp, căng thẳng, xúc động, ... thậm chí những tiếng động nhỏ cũng cảm thấy khó chịu. 

Rối loạn tâm thần: Người bị mất ngủ kéo dài có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn so với người bình thường. Nếu giấc ngủ bị xáo trộn lâu ngày sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ như mắc bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, mất trí nhớ, sa sút về trí tuệ.

davi-mn-1.jpg

Mất ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn (Ảnh minh họa – nguồn Internet)

Điều trị mất ngủ


Với những trường hợp mất ngủ có nguyên nhân cụ thể như bệnh lý nội khoa, rối loạn tâm thần, cần tập trung điều trị nguyên nhân để giải quyết vấn đề mất ngủ.

Với mất ngủ không do nguyên nhân bệnh lý (mất ngủ nguyên phát), việc điều trị tập trung vào 2 vấn đề chính, đó là điều trị tâm lý nhận thức-hành vi và điều trị bằng thuốc, hai nhóm này có thể kết hợp với nhau.

- Thư giãn tâm lý: Khi lên giường ngủ, không nên lo lắng, suy nghĩ.

- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Chế độ ăn đảm bảo đủ năng lượng, đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng (chất đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và chất xơ). Bổ sung thêm nhiều rau xanh, hoa quả chín, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, thực phẩm tốt cho sức khỏe não bộ (cá biển, omega 3, trứng, các loại hạt, …), các chất có lợi cho giấc ngủ như Melatonin và L-tryptophan. 

- Vệ sinh giấc ngủ: là các biện pháp tạo điều kiện cho giấc ngủ đến dễ dàng hơn mà không cần dùng thuốc như: không ngủ ngày quá nhiều, giấc ngủ trưa chỉ từ 15-30p; dọn dẹp phòng ngủ thông thoáng, đủ mát (tốt nhất là 25 0C), giường chiếu sạch sẽ. Cần lưu ý rằng giường ngủ chỉ dùng để ngủ, không đọc báo, xem tivi, điện thoại, máy tính trên giường. Đồng thời, hãy luyện tập thói quen thức dậy vào một giờ cố định kể cả vào ngày nghỉ và khi đi du lịch.

- Sử dụng thuốc: thường được điều trị với benzodiazepin, zopiclon và các thuốc ngủ khác, giúp bạn đi vào giấc ngủ rất nhanh, nhưng các thuốc ngủ cần phải sử dụng rất thận trọng, không dùng kéo dài bởi tác dụng phụ trên thần kinh và có thể gây lệ thuộc thuốc. 


- Melatonin: là hormon tự nhiên điều hòa nhịp sinh học thức – ngủ, thường được sử dụng trong việc điều hòa giấc ngủ, điều trị mất ngủ nhưng không phải là thuốc ngủ. Melatonin được sử dụng an toàn, ít gây tác dụng phụ và không gây tích lũy thuốc trong cơ thể do thời gian bán hủy ngắn. 

davi-mn-2.jpg
 
Chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục thường xuyên và duy trì giấc ngủ ngon là những yếu tố quan trọng nhất đối với sức khỏe của tất cả chúng ta. Bạn không thể đạt được sức khỏe tốt nhất nếu không biết cách chăm sóc cho giấc ngủ của mình.

Bài viết được cung cấp bởi Davipharm

Nguồn tham khảo:

- Báo sức khỏe và đời sống
- Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh
- Bệnh viện 115

- Thuocbietduoc.com.vn cung cấp thông tin về hơn 30.000 loại thuốc theo toa, thuốc không kê đơn. - Các thông tin về thuốc trên Thuocbietduoc.com.vn cho mục đích tham khảo, tra cứu và không dành cho tư vấn y tế, chẩn đoán hoặc điều trị. - Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ
- Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Thuocbietduoc.com.vn
Thông tin Thuốc và Biệt Dược
- Giấy phép ICP số 235/GP-BC.
© Copyright Thuocbietduoc.com.vn
- Email: contact.thuocbietduoc@gmail.com