Da liễu Chủ nhật, ngày 27/6/2021

Ngứa dữ dội về đêm: rất có thể bạn đã bị ghẻ!

Ghẻ là bệnh do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei hominis gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm từ người sang người hoặc từ súc vật sang người trong chăn nuôi. Bệnh ghẻ rất phổ biến trên thế giới, chiếm một tỷ lệ đáng kể trong số các bệnh da liễu ở các nước đang phát triển, gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Ký sinh trùng da Sarcoptes scabiei gây bệnh ghẻ
Ký sinh trùng da Sarcoptes scabiei gây bệnh ghẻ
 Ước tính hơn 200 triệu người bị ảnh hưởng bởi bệnh ghẻ, với tỷ lệ mắc dao động theo vùng dân cư, có thể lên đến 71%.
 
Ghẻ gây bệnh là ghẻ cái, hay còn gọi là cái ghẻ, đường kính khoảng 0,25 – 0,3 mm, ký sinh ở lớp sừng của thượng bì, rất khó để nhìn thấy bằng mắt thường. Cái ghẻ hoạt động liên tục, ban đêm thì đào hang và ban ngày đẻ trứng, trứng nở thành ấu trùng, qua nhiều lần lột xác sẽ trở thành ghẻ trưởng thành.

Triệu chứng điển hình của bệnh ghẻ


Bệnh ghẻ thường gây ngứa, ngứa nhiều nhất về đêm, khi đi ngủ do cái ghẻ di chuyển gây kích thích đầu dây thần kinh cảm giác ở da và một phần do độc tố cái ghẻ tiết ra khi đào hang. Ghẻ gây ngứa dữ dội, gãi mạnh gây tổn thương da, lâu ngày hình thành sẩn cục ngứa, sẹo thâm màu thường thấy ở nách, thân mình trẻ em, vùng sinh dục người lớn.
Ghẻ ký sinh còn gây ra mụn nước, luống ghẻ. Mụn nước thường nhỏ bằng hạt tấm, nằm rải rác trên da. Luống ghẻ dài khoảng 2 – 3 cm, màu trắng đục hay xám, xuất hiện do cái ghẻ đào hang ngoằn ngoèo dưới lớp sừng với mụn nước ở đầu hang, cũng là nơi ẩn náu của cái ghẻ. 

Cái ghẻ thường có xu hướng ký sinh ở vùng da như kẽ ngón tay, ngấn cổ tay, mu bàn tay, mặt trước nách, bẹn, mông, hai chân… Ghẻ biểu hiện ở cơ quan sinh dục nên còn được xếp vào danh sách bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục.

Theo một nghiên cứu tại Bệnh viện 103, vị trí tổn thương hay gặp nhất trong bệnh ghẻ là kẽ ngón tay, lòng bàn tay (92,12%), vùng sinh dục ngoài (88,67%), vùng bụng, quanh thắt lưng (81,28%), đùi (69,96%) và mông (41,87%).


ghe1.jpg

Vị trí thường gặp bệnh ghẻ (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, trong một số trường hợp nặng, ví dụ ở người suy giảm miễn dịch, bệnh ghẻ đơn giản có thể tiến triển thành ghẻ vảy (ghẻ Nauy) với thương tổn là các lớp vảy chồng lên nhau và lan tỏa toàn thân, có thể tìm thấy hàng nghìn cái ghẻ trong các lớp vảy. 



ghe2.jpg

Ghẻ vảy (Nguồn: dalieu vn)

Ai có nguy cơ bị bệnh ghẻ


Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh ghẻ, trong đó trẻ em, phụ nữ, người lớn tuổi thường dễ bị ghẻ hơn. Nhiều người cho rằng ghẻ là bệnh chỉ gặp ở những vùng nông thôn, nhưng thực tế, bệnh ghẻ ở thành thị chiếm tỷ lệ cao hơn, đặc biệt ở các vùng đông đúc dân cư, điều kiện vệ sinh kém, thiếu nước sinh hoạt. Môi trường tập thể như nhà trọ, ký túc xá, nhà trẻ… cũng là nơi dễ phát triển, lây lan nguồn bệnh.
Ngoài ra, người sử dụng corticoid dài ngày, suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, ghép tạng, dùng các thuốc ức chế miễn dịch, suy dinh dưỡng…), bệnh lý nằm một chỗ có nguy cơ bị ghẻ cao.

Cẩn thận đừng để lây bệnh ghẻ

Ghẻ là bệnh lây truyền mang tính tập thể bởi sự tiếp xúc da trực tiếp như bắt tay, ẵm bồng. Bệnh ghẻ gây ngứa dữ dội vào ban đêm và khi gãi làm vương vãi cái ghẻ ra quần áo, giường chiếu…Do đó, những người sinh hoạt chung môi trường, đặc biệt là trong gia đình rất dễ bị lây bệnh ghẻ lẫn nhau do ngủ chung, dùng chung chăn màn, chiếu gối, quần áo với người bị ghẻ. 

Việc điều trị cũng cần chú trọng điều trị tập thể để đạt được hiệu quả diệt ghẻ hoàn toàn.

Phòng và điều trị ghẻ 


Vệ sinh nhà cửa, quần áo, giường chiếu, chăn màn, vệ sinh cá nhân hằng ngày sạch sẽ. Khi phát hiện người bị bệnh ghẻ, nên tránh tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng chung đồ dùng của những người bị ghẻ.

Tuy ghẻ là bệnh không gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn tới những biến chứng nặng nề như nhiễm trùng, chàm hóa hay viêm cầu thận cấp.

Thông thường, có thể sử dụng các loại thuốc bôi tại chỗ như Permethrin 5%, Gamma benzen 1%, Benzoat benzyl 25%, Diethylphtalat (DEP), Mỡ lưu huỳnh 5-10%, Crotaminton 10%...

Trường hợp ghẻ kháng trị với các thuốc bôi cổ điển, hoặc ghẻ vảy, ghẻ ở người nhiễm HIV thì có thể sử dụng thuốc uống Ivermectin 200 mcg/kg liều duy nhất, nhắc lại sau 10 – 14 ngày.

Ivermectin là thuốc điều trị ký sinh trùng thường được sử dụng trong tẩy giun đường ruột, điều trị giun chỉ, giun lươn, hội chứng ấu trùng di chuyển dưới da (giun móc từ chó mèo), giun đầu gai…Tuy nhiên, Ivermectin cũng được sử dụng như là thuốc trị ghẻ đường uống duy nhất với hiệu quả cao theo phác đồ của Châu Âu và Bộ Y tế Việt Nam hiện nay. Theo một nghiên cứu cho thấy sử dụng liều đơn Ivermectin có tỷ lệ khỏi bệnh là 70%; liều nhắc lại sau 2 tuần cho tỷ lệ khỏi tăng lên tới 95%.

Hơn nữa, ghẻ là bệnh dễ lây lan trong tập thể, gia đình, do đó nên kết hợp điều trị cho cả bệnh nhân và những người sống chung.

Theo: Công ty Davipharm

- Thuocbietduoc.com.vn cung cấp thông tin về hơn 30.000 loại thuốc theo toa, thuốc không kê đơn. - Các thông tin về thuốc trên Thuocbietduoc.com.vn cho mục đích tham khảo, tra cứu và không dành cho tư vấn y tế, chẩn đoán hoặc điều trị. - Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ
- Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Thuocbietduoc.com.vn
Thông tin Thuốc và Biệt Dược
- Giấy phép ICP số 235/GP-BC.
© Copyright Thuocbietduoc.com.vn
- Email: contact.thuocbietduoc@gmail.com