Cơ xương khớp Chủ nhật, ngày 15/11/2020

Tại sao phụ nữ mãn kinh dễ bị loãng xương? Làm thế nào để phòng tránh

Loãng xương là bệnh của toàn bộ hệ thống xương làm sức chịu lực của xương (sự vững chắc của xương) bị giảm đi, xương dễ bị gãy, ngay khi chị bị va chạm hoặc té nhẹ. Loãng xương gặp ở 1/3 phụ nữ và 1/5 nam giới trên 50 tuổi, với tuổi thọ ngày càng tăng hiện nay, số người bị loãng xương đang gia tăng nhanh chóng. Ước tính số người bị loãng xương trên toàn thế giới là hơn 200 triệu và Việt Nam trên 3,2 triệu.
Nồng độ estrogen của nữ giới thay đổi theo độ tuổi
Nồng độ estrogen của nữ giới thay đổi theo độ tuổi

1. NGUYÊN NHÂN LOÃNG XƯƠNG


Loãng xương là do mất cân bằng chu trình tạo xương của cơ thể.
Trong suốt cuộc đời, cơ thể chúng ta đào thải xương già và tái tạo xương mới trong chu trình liên tục. Cho đến giữa những năm của độ tuổi 30 xương vẫn tiếp tục phát triển, cơ thể tạo xương nhiều hơn là mất, sau đó quá trình tiêu xương và tạo xương diễn ra cân bằng. Nhưng đến thời kỳ mãn kinh thì cân bằng này bị phá vỡ, thay đổi hormone trong cơ thể làm cho mất xương nhanh hơn tạo xương.
Mãn kinh thường xảy ra vào khoảng tuổi 50. Thay đổi chính trong thời kỳ này là lượng hormone estrogen giảm mạnh. Khi lượng estrogen giảm làm xương mất nhanh hơn. Ở nhiều phụ nữ mất xương trầm trọng làm cho xương yếu và giòn.

2. BIỂU HIỆN CỦA LOÃNG XƯƠNG


Những dấu hiệu của bệnh loãng xương thường khá muộn và dấu hiệu đầu tiên thường gặp là đau những vùng xương chịu áp lực của trọng lượng cơ thể khi đứng hoặc ngồi lâu như:
- Xương gót, đầu dưới hoặc trên xương chày của cẳng chân
- Cột sống thắt lưng
- Cột sống cổ...
Hậu quả của loãng xương có thể là: gãy đầu dưới xương cẳng tay, gãy xương hông và lún xẹp đốt sống (chiếm 50% các loại gãy và chiếm 25% số người trên 70 tuổi). Phụ nữ sau mãn kinh có thể bị thấp đi 6,4cm và hình ảnh của lún đốt sống có thể là gù, còng lưng và vẹo cột sống.

3. AI LÀ NGƯỜI CÓ NGUY CƠ LOÃNG XƯƠNG?


Không may là không ai trong chúng ta có thể kiểm soát được những thay đổi hormone khi mãn kinh. Sau mãn kinh, loãng xương tiến triển theo thời gian, xương mất nhiều lên. Kết quả là một hoặc nhiều xương bị gãy, và sau đó là đau kéo dài và tàn tật. Người ta ước tính rằng khoảng 40% phụ nữ trên 50 tuổi sẽ phải chịu gãy xương do loãng xương vào lúc nào đó trong phần còn lại của cuộc đời. Chẩn đoán loãng xương càng sớm càng tốt là bước rất quan trọng để giúp hạn chế mất xương ở giai đoạn sớm nhất có thể.
Mãn kinh là nguyên nhân quan trọng nhất gây loãng xương. Các yếu tố tham gia vào nguy cơ loãng xương như:
- Gia đình có người bị loãng xương.
- Mãn kinh sớm (trước tuổi 45).
- Gãy xương trước đây có thể là do loãng xương.
- Phụ nữ da trắng và châu Á.
- Người gầy hoặc nhỏ xương.
- Sử dụng thuốc như là thuốc corticoid, hormone tuyến giáp.
- Hút thuốc, uống rượu.
- Không tập thể dục.
- Lượng canxi trong khẩu phần ăn thấp.
- Bạn nên nhớ rằng chỉ riêng mãn kinh là nguyên nhân quan trọng nhất gây bệnh loãng xương. Thậm chí không có các yếu tố khác bổ sung bạn vẫn có thể bị loãng xương.

4. CÁC THUỐC VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ HIỆN NAY:


a. Thuốc hóa dược: 
- Bisphosphonates: Cũng giống như estrogen, nhóm thuốc này có thể ức chế phân hủy xương, bảo tồn khối lượng xương, và thậm chí làm tăng mật độ xương ở hông và cột sống, giảm nguy cơ gãy xương. Ví dụ về các loại thuốc này bao gồm Alendronate, Ibandronate, Risedronate và Zoledronic acid

- Raloxifene: Raloxifene bắt chước tác động của estrogen có lợi về mật độ xương ở phụ nữ sau mãn kinh. Nó cũng được sử dụng để giảm nguy cơ và điều trị ung thư vú xâm lấn. Thuốc được sử dụng với liều 60 mg/ngày cho cả phòng ngừa và điều trị loãng xương và phòng ngừa ung thư vú. Raloxifene với liều 60 mg/ngày là một số lượng ít hiệu quả trong phòng ngừa ung thư vú hơn 20 mg/ngày tamoxifen.
b. Hormone liệu pháp: Estrogen có thể giúp duy trì mật độ xương. Tuy nhiên, việc sử dụng liệu pháp hormone có thể làm tăng nguy cơ đông máu, ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú và có thể bệnh tim. Bởi vì các mối quan tâm về sự an toàn của nó và bởi vì phương pháp điều trị khác có sẵn, nội tiết tố trị liệu là điều trị thường không phải là một sự lựa chọn đầu tiên nữa.
c. Vật lý trị liệu: Ngoài việc dùng thuốc hoặc kích thích tố, các chương trình vật lý trị liệu có thể giúp xây dựng sức mạnh của xương và cải thiện sự cân bằng tư thế, và sức mạnh cơ bắp.

loang-xuong-nguy-co.jpg
 

5. VẬY LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÒNG TRÁNH LOÃNG XƯƠNG?


- Bổ sung canxi qua thực phẩm: Cả phụ nữ và nam giới ở tuổi trung niên đều cần trung bình 1.000mg canxi mỗi ngày. Nhu cầu này tăng lên thành 1.500mg đối với phụ nữ thời kỳ mãn kinh. Trên thực tế, phần lớn mọi người đều không được cung cấp đủ lượng canxi cần thiết mỗi ngày. Vì vậy, việc tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu canxi là rất cần thiết. Tại mỗi thời điểm, cơ thể chỉ hấp thụ một lượng canxi nhất định, vì vậy nên chia nhỏ các thực phẩm giàu chất này thành nhiều lần trong ngày.
- Các thực phẩm giàu canxi:
+ Sữa và các sản phẩm của sữa như: sữa chua, phomát…
+ Cá, nhất là cá mòi, cá thu.
+ Các loại rau củ hạt: xúp lơ xanh, cải xoăn, củ cải đường, rau xanh đậm, hạt đậu nành.
- Bổ sung vitamin D: Vitamin D cho phép cơ thể hấp thụ canxi. Nếu thiếu vitamin D, xương sẽ trở nên giòn và yếu. Có thể bổ sung vitamin D bằng thực phẩm, tuy nhiên, vitamin D có ít trong thực phẩm tự nhiên trừ một vài loại cá biển béo. Trong cơ thể, bình thường dưới da có sẵn các tiền vitamin D. Tắm nắng là một trong những biện pháp hữu hiện cung cấp cho vitamin D cơ thể phòng tránh bệnh loãng xương.
- Tập thể dục đều đặn, phù hợp với tình trạng sức khỏe: Giúp tăng cường sự cân bằng và duy trì độ dẻo dai của hệ thống xương, giảm nguy cơ loãng xương và gãy xương ở người lớn tuổi.
- Khám định kỳ: Nên đến bệnh viện kiểm tra mật độ xương định kỳ. Đây là cách duy nhất giúp phát hiện sớm bệnh loãng xương.
- Bỏ hút thuốc lá: Việc hút thuốc thường xuyên cũng làm tăng 10 lần nguy cơ loãng xương và tăng 2 lần nguy cơ gãy xương cột sống và xương hông. Hút thuốc còn khiến vết gãy ở xương khó phục hồi.

Bệnh loãng xương gây nhiều hậu quả nặng nề dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống và giảm tuổi thọ. Khi đã bị loãng xương thì chi phí điều trị rất cao, thời gian điều trị kéo dài. Do vậy việc phát hiện sớm và điều trị ngay từ đầu rất có ý nghĩa để phòng bệnh loãng xương và ngăn ngừa gãy xương.

- Thuocbietduoc.com.vn cung cấp thông tin về hơn 30.000 loại thuốc theo toa, thuốc không kê đơn. - Các thông tin về thuốc trên Thuocbietduoc.com.vn cho mục đích tham khảo, tra cứu và không dành cho tư vấn y tế, chẩn đoán hoặc điều trị. - Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ
- Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Thuocbietduoc.com.vn
Thông tin Thuốc và Biệt Dược
- Giấy phép ICP số 235/GP-BC.
© Copyright Thuocbietduoc.com.vn
- Email: contact.thuocbietduoc@gmail.com