Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì? Nhận biết và cách điều trị
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (Tên tiếng anh là: Gastroesophageal Reflux Disease / GERD). Căn bệnh này xảy ra khi acid dạ dày thường xuyên chảy ngược lên thực quản và gây kích ứng niêm mạc thực quản dẫn đến tình trạng viêm loét. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào. Đồng thời có thể xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau.Ảnh minh họa
1. TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY (GERD) LÀ GÌ?
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (Tên tiếng anh là: Gastroesophageal Reflux Disease / GERD). Căn bệnh này xảy ra khi acid dạ dày thường xuyên chảy ngược lên thực quản và gây kích ứng niêm mạc thực quản dẫn đến tình trạng viêm loét. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào. Đồng thời có thể xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau.
Tùy thuộc vào số lần trào ngược acid mà có thể chẩn đoán bệnh ở mức độ nhẹ hay nặng. Cụ thể, nếu trào ngược xảy ra ít nhất 1 lần trong tuần, trào ngược acid ở mức nhẹ. Tuy nhiên, nếu trào ngược xuất hiện 2 lần trong tuần, bệnh nhân nên thăm khám vì đây là dấu hiệu của trào ngược acid ở mức độ trung bình đến nặng.
2. TRIỆU CHỨNG?
Một số triệu chứng điển hình mà người bệnh thường gặp, có thể kể đến như: Ợ nóng,
ợ chua, đau họng, buồn nôn, ho,…
3. NGUYÊN NHÂN GERD DO ĐÂU?
Theo các chuyên gia khoa Tiêu Hóa cho biết, khi nuốt cơ thắt thực quản dưới sẽ thư giãn để thức ăn và chất lỏng chảy vào dạ dày rồi sau đó đóng lại. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, cơ vòng thư giãn bất thường, chúng sẽ mở ra và khiến acid dạ dày cùng với thức ăn chảy ngược lên thực quản. Nếu tình trạng này xảy ra liên tục sẽ gây kích ứng viêm niêm mạc thực quản. Nguyên nhân làm suy yếu cơ thắt thực quản dưới có thể là do các yếu tố sau:
• Thường xuyên uống rượu bia hoặc hút thuốc lá
• Tác dụng phụ của thuốc Tây, đặc biệt là các loại thuốc chống viêm bao gồm cả thuốc chống viêm chứa Corticoid (Hydrocortisone, Prednisolone, Methylprednisolone,…) và không chứa coricoid (Aspirin, Ibuprofen, Diclofenac,….).
• Bệnh lý: Thoát vị hoành, bệnh lý nhiễm khuẩn ở thực quản gây xơ, tổn thương hệ thần kinh phó giao cảm thực quản hoặc, đau dạ dày, viêm loét dạ dày,…
• Thói quen ăn uống không khoa học như ăn quá no hoặc sử dụng thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất béo gây khó tiêu,…
4. ĐIỀU TRỊ GERD:
Hiện nay, việc điều trị với thuốc ức chế bơm proton (Omeprazol, Esomeprazol, Rabeprazol) đạt thành công nhất, trong đó có khoảng nửa số bệnh nhân có thể duy trì sự thành công chỉ cần điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton cách ngày. Thuốc được uống trước bữa ăn 30 phút.
+ Thuốc điều hòa vận động:
Metoclopramid: Thuốc được dùng trước các bữa ăn. Có thể dùng đường hậu môn bằng các viên đạn. Tác dụng phụ: gây buồn ngủ và tăng trương lực ngoại tháp.
Sulpirid: Có tác dụng làm gia tăng trương lực đoạn dưới cơ vòng thực quản và làm giảm trào ngược. Thuốc này cũng đồng thời có tác dụng vào hệ thần kinh trung ương như các thuốc ngủ do đó có tác dụng phụ là buồn ngủ, gây hội chứng ngoại tháp, chảy sữa, bất lực...
+ Thuốc làm giảm tác động có hại của trào ngược:
Các thuốc tạo màng ngăn như alginat: Acid alginic khi tiếp xúc với acid dịch vị sẽ tạo thành một lớp bọt nổi lên trên dịch vị. Trong trường hợp trào ngược nhờ lớp gel này sẽ bảo vệ cho niêm mạc thực quản khỏi bị tác động của acid dạ dày. Thuốc được sử dụng sau mỗi bữa ăn và trước lúc đi ngủ. Ngoài ra còn có thuốc dimeticol, cũng là một chất có tác dụng bảo vệ niêm mạc tương tự như thuốc trên.
+ Thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc (Sucralfat)
Thường chỉ định sucralfat trong các trường hợp bệnh trào ngược vừa đến nặng. Thuốc được uống trước bữa ăn và trước lúc đi ngủ.
Ngoài ra còn sử dụng các thuốc kháng acid (maalox, phosphalugel..): Có tính kiềm nên làm trung hòa tính acid của dịch vị
Tuy nhiên bệnh nhân không được tự ý mua thuốc về dùng mà không theo chỉ định của bác sĩ. Vì mỗi người bệnh có tình trạng bệnh lý cụ thể khác nhau, người bệnh cần được thầy thuốc chuyên khoa khám và chỉ định điều trị thích hợp thì bệnh mới mau lành và hạn chế được các biến chứng nguy hiểm của bệnh và do dùng thuốc.
5. THAY ĐỔI LỐI SỐNG:
Thay đổi lối sống là một trong những biện pháp quan trọng đối với việc cải thiện triệu chứng và kiểm soát tiến triển của GERD.
Lối sống khoa học dành cho người bị trào ngược dạ dày thực quản, bao gồm:
• Chia nhỏ bữa ăn ( 4 – 5 bữa nhỏ/ ngày), tránh ăn quá no hoặc sát giờ đi ngủ (ăn trước khi ngủ ít nhất 3 tiếng đồng hồ) giúp phòng ngừa tái phát trào ngược axit và bệnh đau dạ dày.
• Uống nhiều nước và tăng cường bổ sung các thực phẩm giúp trung hòa axit như sữa chua, rau xanh, ngũ cốc, trái cây, cá, thịt, trứng,… Hạn chế đồ ăn nhanh, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, gia vị và chất bảo quản.
• Nên ăn chậm nhai kỹ để tránh tăng áp lực lên dạ dày. Thói quen ăn nhanh và nhai không kỹ có thể kích thích quá trình bài tiết axit và tăng nhu động dạ dày, dẫn đến hiện tượng trào ngược dịch vị.
• Giảm cân nếu cần thiết.
• Thay đổi một số thói quen xấu như thức khuya, căng thẳng, nằm/ vận động mạnh sau khi ăn, uống rượu bia, chất kích thích và hút thuốc lá.
• Mặc quần áo rộng nhằm giảm áp lực lên dạ dày và thực quản.
• Kê gối cao khi ngủ có thể cải thiện tình trạng trào ngược axit vào ban đêm.
• Tập thể dục thường xuyên giúp ổn định hoạt động tiêu hóa và giảm nguy cơ trào ngược thực quản.