Thuốc Favipiravir được bán ở Nhật Bản từ năm 2014 có khả năng chữa COVID-19
Theo kết quả thử nghiệm, loại thuốc nói trên có thể rút ngắn thời gian phục hồi bệnh từ 11 ngày xuống còn 4 ngày đối với các ca bệnh nhẹ và trung bình.
Ảnh minh họa
Ông Zhang Xinmin, giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghệ Sinh học Quốc gia Trung Quốc, mới đây cho biết loại thuốc có tên Favipiravir - được sản xuất bởi một công ty con của Fujifilm - đã cho thấy kết quả tích cực khi được sử dụng trên 340 bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Vũ Hán và Thâm Quyến.
Ông Zhang nói: "Chúng tôi đã thực hiện thử nghiệm y khoa với 80 bệnh nhân ở Thâm Quyến. Loại thuốc này có độ an toàn cao và có hiệu quả rõ ràng trong quá trình chữa trị".
Theo kết quả thử nghiệm, loại thuốc nói trên có thể rút ngắn thời gian phục hồi bệnh từ 11 ngày xuống còn 4 ngày đối với các ca bệnh nhẹ và trung bình.
Một thử nghiệm khác ở Vũ Hán cho thấy loại thuốc nói trên cũng giúp giảm bớt thời gian sốt từ trung bình 4,2 ngày xuống còn 2,5 ngày.
Ông Zhang cho biết điều quan trọng nhất là chưa thấy tác dụng phụ đáng kể nào của thuốc.
Ngoài ra, xét nghiệm X-quang cũng xác nhận tình trạng phổi có cải thiện đối với 91% bệnh nhân chữa trị bằng Favipiravir, so với 62% bệnh nhân không sử dụng loại thuốc này.
Công ty hóa chất Fujifilm Yoyama - công ty phát triển và đưa thuốc Favipiravir ra thị trường Nhật Bản từ năm 2014 - hiện chưa đưa ra bình luận.
"Favipiravir đã được bán tại Nhật Bản từ năm 2014 và chúng tôi chưa thấy có tác dụng phụ đối với bệnh nhân COVID-19," ông Zhang nói.
Tuy nhiên, ông Zhang không cung cấp thêm thông tin về cuộc thử nghiệm các loại thuốc khác, bao gồm Remdesivir - loại thuốc vốn được nhiều người kì vọng nhiều tuần trước đây nhưng được cho là có nhiều tác dụng phụ.
Các bác sĩ chưa xác định được di chứng của COVID-19 và việc này cần thêm theo dõi y tế trong tương lai.
Ngoài thuốc tây, Trung Quốc cũng sử dụng đông y để chữa COVID-19. Theo Li Yu, người đứng đầu cơ quan Điều hành Đông Y Quốc gia Trung Quốc, thuốc truyền thống của nước này cho thấy hiệu quả trong mọi giai đoạn chữa trị bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Các bác sĩ Nhật Bản hiện cũng sử dụng thuốc Favipiravir để nghiên cứu y khoa đối với các bệnh nhân nhiễm bệnh có triệu chứng nhẹ và trung bình, hi vọng thuốc sẽ ngăn virus phát triển trên cơ thể người bệnh.
Tuy nhiên, nguồn tin từ Bộ Y tế Nhật Bản cho biết thuốc sẽ không hiệu quả đối với người có triệu chứng nghiêm trọng. "Chúng tôi đã cho 70-80 người sử dụng, nhưng dường như thuốc không có tác dụng mấy khi virus đã phát triển mạnh," nguồn tin nói với Mainichi Shimbun.
Năm 2016, chính phủ Nhật Bản cũng cung cấp thuốc Favipiravir trong gói viện trợ khẩn cấp để chống lại dịch do virus Ebola gây ra ở Guinea.
Favipiravir sẽ cần được chính phủ Nhật Bản thông qua trước khi được sử dụng ở quy mô lớn đối với bệnh nhân nhiễm COVID-19, bởi loại thuốc này ban đầu được sản xuất để chữa bệnh cúm.
Một quan chức y tế nói việc sử dụng rộng rãi thuốc sẽ được thông qua sớm nhất vào tháng 5. "Nhưng nếu kết quả thử nghiệm bị trì hoãn, thì việc thông qua cũng sẽ bị hoãn," nguồn tin nói.
Theo ictvietnam
- Sẽ không có miễn dịch suốt đời với SARS-CoV-2(23/3/2020)
- Virus chỉ là 1 sứ giả đáng sợ cảnh báo sự vô cảm và "đoạn kết" của loài người(21/3/2020)
- Đây là cách Covid-19 lây nhiễm và nhân lên trong tế bào phổi(20/3/2020)
- Lưu ý mới của WHO về khả năng lây nhiễm COVID-19 ở phụ nữ mang thai(19/3/2020)
- [vắc-xin Covid-19: Mỹ] Người đầu tiên trên thế giới được Tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19(19/3/2020)
- Khoảng 50 loại thuốc tiềm năng điều trị Covid-19 đang được nghiên cứu(19/3/2020)
Các bài khác
- Quyết định 42/QĐ-QLD: Rút giấy đăng ký lưu hành thuốc ra khỏi danh mục các thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam(10/2/2019)
- Cơ quan quản lý Dược phẩm Pháp:Khuyến cáo sử dụng các kháng sinh Quinolon và fluoroquinolon(17/11/2018)
- Cơ quan quản lý Dược phẩm Pháp: chống chỉ định mới của retinoid dùng ngoài da điều trị mụn trứng cá trong thai kỳ(15/11/2018)
- Sẽ cấm bán kháng sinh khi không có đơn của bác sĩ(22/11/2015)
- Ứng dụng thành công nano curcumnin trong phòng bệnh(30/10/2013)
- Thận trọng sử dụng thuốc giảm đau có codein(28/9/2013)
- Phương pháp mới trong chẩn đoán ung thư buồng trứng(5/1/2013)
- Top 10 đột phá y học thế giới năm 2012(24/12/2012)
- Công nghệ tế bào gốc sẽ được chuyển giao bài bản, đồng bộ vào Việt Nam (30/11/2012)
- Cô gái gốc Việt đoạt giải y học tại Đức(12/11/2012)