Thuốc Tiafo
Tôi muốn biết công dụng của Thuốc Tiafo. Cảm ơn bs
Trả lời:
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ
Tên gốc: Cefotiam hydrochloride
Tên biệt dược: Tiafo
1. Dạng bào chế và hàm lượng
- Dạng bào chế: Bột pha tiêm
- Hàm lượng: Cefotiam hydrochloride tương đương Cefotiam 1 g
2. Tác dụng của thuốc Tiafo
Thuốc Tiafo là kháng sinh thuộc thế hệ thứ 2 của nhóm cephalosporin, có tác dụng kháng khuẩn trên cả nhóm vi khuẩn gram dương và gram âm. Nhìn chung cefotiam có tác dụng kháng cầu khuẩn Gram (+) không mạnh, nhưng có khả năng kháng một số betalactamase sản xuất bởi vi khuẩn Gram (-) và kháng khuẩn mạnh đối với các loại Enterobacter. Thuốc không có tác động trên Pseudomonas aeruginosa.
Các chủng vi khuẩn nhạy cảm với Tiafo:
Staphylococci, Streptococci (ngoại trừ Enterococci), Pneumococcus, Haemophilus influenzae, Escherichia coli, Klebsiella spp., Enterobacter spp., Citrobacter spp., Proteus mirabilis, Proteus vulgaris, Proteus morganii.
3. Cơ chế tác dụng của thuốc Tiafo
Tác động diệt khuẩn của Tiafo là do sự ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn thông qua protein gắn kết Penicillin (kênh PBPs).
4. Dược động học của thuốc Tiafo
Thuốc Tiafo được hấp thu nhanh sau khi tiêm bắp. Các thông số dược động học của thuốc Tiafo:
- Sinh khả dụng khoảng 60%
- Nồng độ đỉnh đạt được sau khi tiêm bắp là 17 mg/L
- Nồng độ đỉnh đạt được sau khi truyền tĩnh mạch là 35 mg/ L sau 15 phút.
- Tỷ lệ thuốc gắn kết với protein huyết tương đạt 40%.
- Thời gian bán thải của thuốc Tiafo đạt 1 giờ.
- Thuốc được thải trừ qua nước tiểu gần như hoàn toàn sau 4 giờ (kể từ khi kết thúc tiêm truyền) nhưng chỉ có 50 – 67% dưới dạng không biến đổi.
5. Liều dùng của thuốc Tiafo
Người lớn dùng thuốc Tiafo với liều như thế nào?
Liều thông thường: Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp liều 0,5 – 2 g/ ngày, chia 2 – 4 lần. Trường hợp nhiễm khuẩn huyết có thể tăng lên 4 g/ ngày, tiêm tĩnh mạch.
Trẻ em dùng thuốc Tiafo với liều như thế nào?
Liều thông thường: Tiêm tĩnh mạch, liều 40 -80 mg/kg/ngày, chia làm 3 – 4 ngày. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng có thể tăng lên 160 mg/kg/ngày.
Liều dùng có thể được điều chỉnh theo độ tuổi và tùy theo mức độ bệnh.
6. Cách dùng của thuốc Tiafo
- Đường tiêm
tĩnh mạch:
Thuốc dùng tiêm tĩnh mạch: nên được pha với nước cất pha tiêm, dung dịch NaCl 0,9% hoặc dung dịch Dextrose 5%.
Truyền nhỏ giọt tĩnh mạch:
Người lớn: 30 – 120 phút
Trẻ em: 30 – 60 phút
Pha bột thuốc với dịch truyền Dextrose, dung dịch điện phân, hoặc dung dịch amino acid.
- Đường tiêm bắp:
Mỗi lọ nên pha loãng với 3 ml dung dịch thuốc tiêm Lidocain hydrochloride 0,5%
7. Tác dụng phụ của thuốc Tiafo
Thuốc Tiafo có thể gây ra các tác dụng phụ bao gồm:
- Hoa mắt,
- Đau đầu,
- Đau bụng,
- Tiêu chảy,
- Viêm miệng, bội nhiễm nấm
- Hiếm gặp: Sốc, quá mẫn, hội chứng Stevens-Johnson, tăng men gan, thay đổi huyết học, suy thận, viêm kết tràng giả mạc, thiếu hụt vitamin (vitamin K, vitamin B), buồn nôn, nôn, co giật có thể xảy ra nếu bệnh nhân suy thận dùng quá liều.
Đây không phải là tất cả các tác dụng phụ của thuốc Tiafo, không phải ai cũng có biểu hiện các triệu chứng như trên. Bạn nên thông báo ngay cho bác sỹ hoặc dược sỹ khi gặp phải các triệu chứng bất thường.
8. Thận trọng khi sử dụng thuốc Tiafo
Trước khi sử dụng thuốc Galvus, bạn nên thông báo cho bác sỹ hoặc dược sỹ:
- Đã có phản ứng quá mẫn trước đó với penicillin.
- Bản thân bệnh nhân hoặc gia đình có cơ địa dị ứng.
- Suy thận nặng.
- Bệnh nhân dinh dưỡng kém, nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch, người già, suy kiệt. Phải theo dõi tình trạng huyết học ở những bệnh nhân này (do triệu chứng thiếu vitamin K có thể xảy ra, gây hiện tượng máu khó đông).
- Bạn có thai hoặc cho con bú.
9. Tương tác của thuốc Tiafo
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi hoạt động của thuốc hoặc gia tăng nguy cơ xuất hiện các tác dụng phụ có hại. Vì vậy, để tránh xảy ra tương tác thuốc trong quá trình điều trị, bạn nên thông báo cho bác sỹ hoặc dược sỹ những thuốc, thực phẩm chức năng, thảo dược mà bạn đang hoặc dự định sẽ dùng trong quá trình điều trị thuốc Tiafo.
Cần cân nhắc việc sử dụng đồng thời thuốc Tiafo với các kháng sinh nhóm Cephalosporin hoặc với thuốc lợi tiểu như furosemid
10. Quá liều/ Xử trí
Triệu chứng của quá liều thuốc Tiafo, bao gồm:
- Buồn nôn, nôn,
- Đau vùng thượng vị,
- Tiêu chảy và co giật.
Phải ngừng dùng thuốc và theo dõi người bệnh chặt chẽ. Hiện nay, chưa có thuốc giải độc đặc hiệu. Khi gặp quá liều chỉ điều trị theo triệu chứng.

Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ