Cách nấu bột mặn cho trẻ
Con em được 6 tháng 5 ngày, em cho cháu ăn bột ngọt từ lúc 4 tháng 18 ngày, đến bây giờ em đang muốn cho cháu ăn bột mặn, xin chỉ giúp em cách nấu bột mặn cho trẻ như thế nào được không ạ; Và cách cho trẻ ăn bột mặn ra sao. Em xin cảm ơn.
Trả lời:
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ
Cách nấu bột mặn cho trẻ
Bột dùng để nấu cháo cho trẻ có thể sử dụng bột gạo xay, các loại bột ăn liền đóng gói sẵn, hoặc là nấu cháo thật nhừ (có thể rây nhuyễn). Chị có thể xay gạo thành bột để nấu cho bé ăn, sau khi vo gạo để làm khô nhanh chi có thể sấy hoặc rang. Nhưng nếu có điều kiện, chị nên mua các loại bột gạo, ngũ cốc đã được đóng gói sẵn (với thương hiệu có uy tính). Bột gạo, ngũ cốc được sản xuất công nghiệp sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ dinh dưỡng và chỉ cần pha nước ấm (bột gạo xay cần phải nấu chính) là có thể cho bé ăn.
Một bát cháo phải có đủ 4 nhóm thực phẩm là bột, đạm, vitamin & khoáng chất và chất béo.
- Đạm thì ngoài thịt, cá, tôm, cua, trứng (giai đoạn dưới 1 tuổi chỉ sử dụng lòng đỏ, không sử dụng lòng trắng) còn có thể dùng các loại đậu như đậu hũ, đậu hũ non, đậu nành, đậu xanh…
- Vitamin & khoáng chất thì sử dụng các loại rau củ. Màu càng đậm càng nhiều vitamin (rau dền, mồng tơi, cải ngọt, rau ngót, bó xôi, bí đỏ, cà chua, cà rốt,…). Lưu ý là các loại thực phẩm này không nên nấu lâu, nếu không sẽ mất chất.
- Chất béo thì có thể sử dụng từ dầu ăn, dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương,…
Công thức nấu bột mặn cho trẻ
- 200ml nước
- 10g đạm (thịt/cá…) (khoảng 2 muỗng càfê) – băm nhuyễn (nếu sử dụng trứng thì ½ lòng đỏ trứng gà hoặc 2 lòng đỏ trứng cút)
- 10g rau/củ (khoảng 2 muỗng càfê) – băm nhuyễn
- 5g dầu ăn (khoảng 1 muỗng càfê)
- ½ muỗng càfê nước mắm (luôn luôn nêm nhạt cho bé)
Cách chế biến bột mặn cho trẻ
+ Thịt, cá sau khi băm nhuyễn thì tán trong
nước nguội trước cho tan đều (không cho thẳng vào nước sôi).
+ Tiếp đến cho bột vào rồi bắc lên bếp, quấy đều tay cho đến khi bột chín.
+ Cho tiếp rau củ, dầu ăn và nước mắm vào, đậy nắp đến lúc sôi trở lại thì tắt bếp. Dầu và nước mắm có thể cho vào ngay sau khi tắt bếp
(Nếu sử dụng trứng thì phải đánh trứng với rau cho tan đều rồi cho vào sau khi bột chín)
Khi bé được chín tháng thì có thể sử dụng gấp đôi lượng thực phẩm (lúc này không cần băm nhuyễn lắm) cũng với 200ml nước để có chén bột đặc hơn. Nếu bé không quen ăn đặc thì có thể làm như sau: Lấy 1 nhúm giá khoảng 20g (1 nắm tay) xay ra cùng với 200ml nước, lược bỏ cái rồi dùng nước này nấu bột như bình thường.
Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi
- Năng lượng: 100 Kcal/kg/ngày
- Protein: 2,5 – 3g/kg/ngày
- Lipid: 3 – 4g/kg/ngày
- Glucid: 10 – 12g/kg/ngày
Trẻ ở tuổi này bắt đầu có những thay đổi như mọc răng, bò hay bị các bệnh nhiễm trùng hô hấp, tiêu hóa … nên trẻ có những giai đoạn biếng ăn tâm lý do đó phải kiên trì và biết cách chế biến thức ăn cho hợp khẩu vị của trẻ và tập một thói quen ăn uống tốt.
Tất cả các trẻ phải được ăn dặm trong giai đoạn này bằng các thực phẩm có sẵn tại địa phương.
Ngoài thức ăn là bột đặc hay cháo đặc, có đủ 4 nhóm thức ăn trên, 2 – 3 chén/ngày, kèm thêm 6 – 8 lần bú mẹ hay sữa nhân tạo.
Ngoài ra, trẻ cần được cho ăn thêm trái cây: chuối, đu đủ, … nhưng chú ý không ăn quá nhiều và nên ăn sau khi bú hoặc sau khi ăn bột/cháo.
Cần lưu ý: Khi thay đổi chế độ ăn từ lỏng sang đặc hoặc cho trẻ ăn thức ăn mới, luôn phải tập dần cho trẻ làm quen, số lượng cũng phải tăng dần từ ít đến nhiều.
Chúc bé hay ăn chóng lớn!
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ