Trẻ bị viêm lưỡi, các bệnh viêm lưỡi ở trẻ
Chào bác sỹ! Bé nhà tôi lúc 4 tháng tuổi ở lưỡi có đốm hồng trơn ở giữa lưỡi. Hiện nay, bé đã hơn 11 tháng tuổi, phần màu hồng ở lưỡi lan rộng ra khoảng gần 1/3 lưỡi. Dạo này bé ít ăn hơn trước chủ yếu bú sữa bình. Bé nhà tôi như vậy có phải bị viêm lưỡi không và bị viêm lưỡi loại nào ạ? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ
Chào bạn!
Hiện nay, các trường hợp bé bị viêm lưỡi xuất hiện ngày càng nhiều dạng khác nhau như viêm lưỡi bệnh lý, viêm lưỡi bản đồ, viêm lưỡi di trú… Những trẻ bị viêm lưỡi cần được điều trị sớm để tránh những biến chứng xấu.
Dưới đây, tôi xin nêu ra một số bệnh về lưỡi hay gặp ở trẻ em:
Viêm lưỡi bệnh lý
Viêm lưỡi bệnh lý thường có nguyên nhân bắt nguồn từ nhiễm khuẩn, nấm, do thiếu vitamin (vitamin nhóm B, thiếu vitamin PP), thiếu sắt hoặc thiếu máu ác tính… Ngoài ra, viêm lưỡi bệnh lý còn do một số bệnh về da khi phát triển toàn thân như lichen phẳng, aptơ, giang mai… Bé bị viêm lưỡi bệnh lý thường có triệu chứng là lưỡi đỏ, sưng to, có mụn rộp ở lưỡi, nứt kẽ ở lưỡi, lưỡi loét hoặc nhợt nhạt, láng bóng, trơn nhẵn, có thể đau hoặc không… Trường hợp này, các bác sỹ thường sử dụng các thuốc kháng sinh khi bị nhiễm khuẩn, thuốc kháng virus khi bị nhiễm virus, thuốc kháng nấm nếu bị nhiễm nấm, nếu viêm lưỡi do thiếu vitamin thì bổ sung vitamin.
Viêm lưỡi di trú
Bệnh viêm lưỡi di trú thường có các triệu chứng không rõ rang, tuy không nguy hiểm và thường tự khỏi nhưng cũng gây khó chịu cho trẻ. Điều trị cho trẻ bị viêm lưỡi di trú bằng cách cho trẻ súc miệng thường xuyên và vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
Viêm lưỡi bản đồ
Căn bệnh này thường có triệu chứng như xuất hiện những viền màu trắng phía trên lưng lưỡi, phía trong của lưỡi có màu đỏ sậm hơn màu lưỡi bình thường, bị mất gai lưỡi.
Bệnh viêm lưỡi bản đồ là bệnh lành tính, nếu không xuất hiện loét ở lưỡi thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của trẻ nhỏ. Điều trị cho trẻ bị viêm lưỡi bản đồ bác sỹ thường chỉ định thuốc giảm đau kết hợp với thuốc kháng viêm và thuốc bôi tại chỗ. Ngoài ra, cha mẹ nên cho trẻ súc miệng bằng nước muối pha loãng thường xuyên, vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng hàng ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy. Hạn chế cho trẻ ăn những thức ăn cay, nóng và đồ uống có cồn.
Loét lưỡi Apthae
Bệnh loét lưỡi Apthae có các triệu chứng như xuất hiện các vết loét ở phần mặt bụng lưỡi hay ở chop lưỡi làm cho trẻ rất khó chịu và gây cảm giác đau đớn. Khi mắc bệnh này, trẻ không thể nhai và phát âm bình thường. Khi trẻ bị loét lưỡi Apthae, bạn nên đưa cháu đến các cơ sở y tế uy tín để làm các xét nghiệm xem có bị thiếu máu hay không và để bác sỹ thăm khám từ đó đưa ra phương pháp điều trị kịp thời.
Bệnh lưỡi trắng
Trên lưỡi bệnh nhân thường có màu trắng toàn bộ bề mặt lưỡi do viêm nhiễm và miệng thường có mùi hôi khó chịu, miệng khô. Bệnh lưỡi trắng chủ yếu do thói quen vệ sinh răng miệng không tốt. Việc khắc phục tình trạng trên rất đơn giản, trẻ chỉ cần vệ sinh răng miệng chặt chẽ, cạo lưỡi đều đặn, uống nhiều nước lọc và các loại nước hoa quả giúp làm sạch miệng.
Theo như bạn nói ở trên thì rất có thể bé đang bị các bệnh lý nào đó liên quan đến lưỡi. Tuy nhiên, triệu chứng mà bạn mô tả chưa đầy đủ để có thể kết luận bé bị viêm lưỡi hay không và bé bị viêm lưỡi loại nào, bạn nên đưa bé đến các cơ sở y tế uy tín để khám bệnh, từ đó có các phương pháp điều trị kịp thời.
Chúc bé mau khỏe!

Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ
TAG: trẻ viêm lưỡitrẻ bị viêm lưỡibệnh lưỡi trắngviêm lưỡi bản đồviêm lưỡi di trú
- Trẻ viêm lưỡi bản đồ