Gửi câu hỏi>>

Bệnh táo bón - Nguyên nhân và cách điều trị

Năm nay em 21 tuổi, từ nhỏ em đã rất ít đi ngoài.Thường chỉ đi 1 hoặc 2 lần/tuần. Đôi khi là gần 2 tuần mới đi một lần. Mỗi khi đi ngoài đều phải rặn nhiều và dùng tay ấn, đẩy bên ngoài, nếu không thì phân không ra ngoài được. Em đã cố gắng uống nhiều nước, bữa ăn chỉ thì dùng các món rau luộc hoặc xào, rất ít cơm nhưng tình hình không có gì thay đổi. Bị như thế này làm em thấy rất bất tiên, xin bác sĩ chỉ giúp em cách chữa trị. Em xin chân thành cảm ơn!
Bệnh táo bón - Nguyên nhân và cách điều trị
Trả lời:
Táo bón được định nghĩa theo y khoa là có dưới 3 lần đi tiêu mỗi tuần và táo bón nặng là khi có dưới một lần đi tiêu mỗi tuần.

Táo bón thường là do sự di chuyển phân trong đại tràng chậm.
 
Có nhiều nguyên nhân gây táo bón, gồm có:
 
- Do dinh dưỡng: Những người bị táo bón thường có chế độ ăn không hợp lý. Đặc biệt với những người ăn ít chất xơ, vì chất xơ hỗ trợ hiệu quả cho quá trình tiêu hóa và co bóp của dạ dày. Những người có chế độ ăn kiêng khắt khe cũng dễ bị táo bón.
 
- Uống ít nước: Nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển chất trong cơ thể và giúp thức ăn dễ tiêu hóa. Khi lượng nước không đủ đáp ứng nhu cầu của cơ thể, rất dễ gây táo bón.
 
- Do tâm lý: Thói quen nhịn đi cầu, đặc biệt là vừa đi vừa đọc sách, báo làm kéo dài thời gian đại tiện cũng là một trong những nguyên nhân gây ra táo bón.
 
- Một số nguyên nhân khác: Do bệnh lý ở đại tràng, các bệnh nội tiết như suy giáp trạng, cường giáp trạng… Sử dụng thuốc làm giảm chức năng vận chuyển đại tràng như: Thuốc giảm đau, thuốc điều trị tăng huyết áp. Nghề nghiệp phải ngồi lâu, ít vận động cũng là một nguyên nhân của táo bón.
 
Táo bón kéo dài lâu ngày có thể dẫn đến nhức đầu, mất ngủ, ăn không ngon, đầy bụng, trướng hơi. Biến chứng nguy hiểm hơn là nó có thể gây bệnh trĩ hoặc sa hậu môn…

Phòng bệnh táo bón

Phòng bệnh bằng cách tập luyện thói quen đi đại tiện vào một thời gian nhất định trong ngày, tốt nhất là vào buổi sáng; 

Ăn nhiều thực phẩm có chất xơ, uống đủ lượng nước trong ngày; 

Xoa bóp bụng hàng ngày để quá trình co bóp đại tràng đẩy phân di chuyển trong ruột được dễ dàng; 

Có thể sử dụng thuốc điều hòa hoặc tăng cường co bóp đại tràng nhưng phải được sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa.
 
Người trẻ tuổi nên có một thói quen ăn uống hợp lý để phòng tránh táo bón: ăn đủ chất xơ thường có trong rau quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu đỗ. Mỗi ngày nên ăn 25 – 30g chất xơ tức khoảng 300g rau trái cây. 

Khi vào cơ thể, chất xơ không bị tiêu hóa, hấp thu tại ruột và hút nước làm phân trở nên mềm, xốp, giúp nhuận trường. 

Cũng nên, phối hợp đồ ăn thức uống và thay đổi món ăn thường xuyên để tạo cảm giác ngon miệng và tận dụng hết những ưu thế của các thực phẩm khác nhau. 

Ngoài việc uống nhiều nước để phân trong ruột luôn mềm nhão; nên hạn chế nước trà đặc, cà phê, côca côla… 

Các loại nước trái cây, nước rau, canh súp lỏng cũng là nguồn cung cấp nước rất tốt cho cơ thể.
 
Nhân viên một số ngành nghề đòi hỏi phải ngồi lâu, bất động như thợ may, nhân viên vi tính, lái xe… nên tận dụng thời gian rảnh rỗi để vận động cơ thể phòng ngừa táo bón và tập một thói quen đi cầu đúng giờ, chẳng hạn như đi cầu vào buổi sáng để tránh nhu cầu phát sinh trong lúc đang làm việc.

Điều trị táo bón thế nào
 
Để điều trị khỏi táo bón, hãy bắt đầu bằng cách thay đổi chế độ ăn, thay đổi lối sống như năng vận động, uống đủ nước… Chỉ sử dụng thuốc khi thay đổi lối sống không cải thiện được tình hình và nên tới bác sĩ để được tư vấn đầy đủ về loại thuốc phù hợp và cách dùng.


Thuốc trong điều trị táo bón
 
Thuốc xổ làm mềm phân, trơn phân (softening laxative) là thuốc chứa dầu khoáng chất như paraftin hoặc các chất giúp thấm nước tốt như natri docusat (Norgalax) hoặc chứa glycerol như Rectiofar dùng bơm hậu môn. 

Thuốc có đặc tính là sau khi uống hoặc bơm vào hậu môn sẽ bao lấy khối phân để phân trở nên trơn trong ruột nên dễ được bài tiết ra ngoài. Thuốc có thể làm giảm sự hấp thu nước, giảm hấp thu các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K. 

Thuốc cũng có tác dụng kích thích niêm mạc trực tràng nhưng vẫn có tính nhuận trường và ôn hòa. Người già, người suy nhược không đủ sức rặn, phụ nữ có thai, trẻ em, các trường hợp phân khô cứng thích hợp với việc sử dụng thuốc này.
 
Mặc dù thuốc nhuận trường có tác dụng nhanh, hiệu quả trong những trường hợp cấp cứu nhưng không nên lạm dụng dùng dài ngày xuyên vì sợ rằng chúng có thể tổn thương đại tràng vĩnh viễn.


Một số thực phẩm thông thường có tác dụng nhuận trường, rất tốt cho người bị táo bón:
 
Các loại rau: Rau đay, mồng tơi, rau khoai lang, rau sam, rau má, rau cải trắng, rau cần, rau chân vịt, rau càng cua, lá sâm mồng tơi, khổ qua, đậu bắp, giá đỗ…
 
- Trái cây: Đu đủ, thanh long, bưởi, cam quít, chuối, thơm, táo, lê…
 
- Củ quả: Củ cải trắng, bí đỏ, dưa leo, khoai lang nghệ, khoai tây cả vỏ, khoai mỡ…
 
- Ngũ cốc, đậu đỗ: Mè, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen cả vỏ, gạo lức…
 
- Các loại khác: Hạt é, rau câu, sương sâm, sương sáo, đậu ma…
 
Chúc bạn mau khỏi!
Thuốc biệt dược
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ


TAG: táo bónbệnh táo bónđiều trị táo bónnguyên nhân gây táo bón




Bạn đọc phản hồi ( xem ở dưới phần QC ) =>

Bạn đọc phản hồi ( 18 )

Bình luận

- Thuocbietduoc.com.vn cung cấp thông tin về hơn 30.000 loại thuốc theo toa, thuốc không kê đơn. - Các thông tin về thuốc trên Thuocbietduoc.com.vn cho mục đích tham khảo, tra cứu và không dành cho tư vấn y tế, chẩn đoán hoặc điều trị. - Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ
- Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Thuocbietduoc.com.vn
Thông tin Thuốc và Biệt Dược
- Giấy phép ICP số 235/GP-BC.
© Copyright Thuocbietduoc.com.vn
- Email: contact.thuocbietduoc@gmail.com