Gửi câu hỏi>>

Điều trị và phòng tránh bệnh viêm quanh răng

Thưa bác sĩ, xin cho biết thuốc điều trị tại chỗ khi bị viêm quanh thân răng va cách phòng chống tái phát bệnh. Xin chân thành cảm ơn!
Điều trị và phòng tránh bệnh viêm quanh răng
Trả lời:
Bệnh quanh răng (hay còn gọi là bệnh nha chu) gây tổn thương lợi, các dây chằng quanh răng, xương ổ răng và xương răng. Nó có thể gây đau, hôi miệng, thậm chí dẫn đến mất răng, ảnh hưởng xấu đến việc tiêu hóa, phát âm và thẩm mỹ. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, hơn 90% dân số Việt Nam bị viêm quanh răng.
 
Bệnh quanh răng có các nguyên nhân sau: 
 
- Yếu tố bên ngoài: Bao gồm mảng bám và cao răng. Mảng bám răng là một màng mềm phủ lên mặt răng và lợi, chứa các loại vi khuẩn; nguy hiểm hơn cả là vi khuẩn kỵ khí gram âm và xoắn khuẩn (chúng gây các tổn thương ở lợi và quanh răng). Ngoài ra, các yếu tố như chấn thương khớp cắn, răng mọc lệch... cũng góp phần làm cho tình trạng viêm tiến triển nặng thêm.
 
- Yếu tố bên trong: Suy dinh dưỡng, thiếu vitamin (đặc biệt là vitamin C); thay đổi nội tiết tố ở tuổi dậy thì, thai nghén và cho con bú, có các bệnh toàn thân như bệnh nội tiết, bệnh máu; sức đề kháng yếu.
 
Bệnh quanh răng bao gồm viêm lợi, viêm quanh răng, hư quanh răng và teo vùng quanh răng. Trong đó, viêm lợi và viêm quanh răng là 2 chứng bệnh quan trọng nhất.
 
Ở chứng viêm lợi, tình trạng viêm chỉ xảy ra trên bề mặt lợi, không lan sâu xuống rãnh lợi và khe quanh răng. Bệnh có thể làm tổn thương nhú lợi, bờ lợi và lợi dính; ở người bị phì đại lợi, nó tạo thành túi lợi giả. Biểu hiện chủ yếu của viêm lợi là chảy máu khi chải răng, khi ăn thức ăn cứng hoặc khi xỉa răng, soi gương thấy lợi đỏ, sưng. Nếu không được chữa kịp thời, bệnh sẽ trở thành mạn tính và chuyển thành viêm quanh răng.
 
Ở chứng viêm quanh răng, tổn thương từ lợi lan sang các phần khác như các dây chằng quanh răng, xương ổ răng và xương răng. Hậu quả là răng lung lay rồi rụng. Triệu chứng viêm quanh răng cũng tương tự như viêm lợi, cộng thêm một số dấu hiệu khác như hôi miệng, ấn vuốt lợi từ dưới chân răng lên thấy có mủ, răng dài và thưa, lung lay, ảnh hưởng đến việc nhai thức ăn.
 
Phần lớn các trường hợp viêm lợi và viêm quanh răng đều ở thể mạn tính, kéo dài và tái phát từng đợt khi sức đề
kháng của cơ thể giảm sút.

Điều trị bệnh quanh răng

Cho đến nay, vẫn chưa có phương pháp đặc hiệu nào chữa trị bệnh quanh răng. Việc chữa chạy là một quy trình phức hợp bao gồm điều trị tại chỗ và toàn thân, điều trị khởi đầu và duy trì, điều trị bảo tồn và phẫu thuật... Để việc chữa trị có hiệu quả, điều kiện quan trọng đầu tiên là phát hiện bệnh sớm. Các bác sĩ có thể chỉ định các thuốc sau:
 
- Kháng sinh dùng toàn thân (uống hoặc tiêm, tùy theo thể bệnh và giai đoạn bệnh) như tétracycline, penicilline, docyxycline, amoxicycline, metronidazol...
 
- Kháng sinh dùng tại chỗ: Sợi tetracycline (đưa vào túi quanh răng) hoặc metrogyl denta gel (bôi). Có thể phối hợp metrogyl denta gel với dung dịch chlohexidine 0,25% (súc miệng).

Phòng tránh bệnh viêm quanh răng
 
Để phòng ngừa bệnh viêm quanh răng hiệu quả, trước tiên phải biết đánh răng đúng cách. Đánh nhẹ nhàng bằng bàn chải lông mềm, khi các sợi nylon của bàn chải có dấu hiệu lão hóa (các sợi bàn chải bị cong, hướng đổ ra xung quanh, hoặc các sợi bàn chải đã mất hết màu), phải thay bàn chải ngay. Tuyệt đối không nên tiết kiệm mà sử dụng bàn chải quá lâu. Cần lấy cao răng và kiểm tra răng miệng sáu tháng một lần. 
 
Nếu để bệnh quá nặng, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn. Các bác sĩ sẽ phải phẫu thuật lợi, kết hợp các răng lại để ngăn chặn chúng bị lung lay, hay cấy ghép xương ổ răng. Những biện pháp này nhằm xóa bỏ các túi mủ bệnh lý.
 
Bệnh viêm quanh răng là một bệnh không lây lan, nhưng nó ngấm ngầm hủy hoại xương ổ răng và lợi, làm răng mất chức năng nhai, nghiền của nó. Do vậy, chúng ta phải thường xuyên (sáu tháng một lần) đến kiểm tra tại các cơ sở chuyên sâu về răng miệng để có được lời khuyên của thầy thuốc trong việc chăm sóc răng miệng.
 
Trường hợp bạn có những dấu hiệu bệnh, bạn phải đến gặp Bác sĩ nha khoa để được khám và chẩn đoán 1 cách thích hợp (càng sớm càng tốt). Trước hết, BS sẽ xem xét và thăm khám, sau đó có thể cho bạn chụp Xquang vùng răng viêm nhiễm (film quanh chóp-periapical hoặc film toàn cảnh OPG) để xác định 1 cách chính xác hơn. Tùy vào múc độ mà BS sẽ có chỉ định trong từng trường hợp.
 
Chúc bạn mau khỏi!
Thuốc biệt dược
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ


TAG: Bệnh quanh răngviêm quanh răngviêm lợinha chuđiều trị viêm quanh răngphòng tránh bệnh viêm quanh răng


    Bài liên quan:



Bạn đọc phản hồi ( xem ở dưới phần QC ) =>

Bạn đọc phản hồi ( 34 )

Bình luận

- Thuocbietduoc.com.vn cung cấp thông tin về hơn 30.000 loại thuốc theo toa, thuốc không kê đơn. - Các thông tin về thuốc trên Thuocbietduoc.com.vn cho mục đích tham khảo, tra cứu và không dành cho tư vấn y tế, chẩn đoán hoặc điều trị. - Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ
- Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Thuocbietduoc.com.vn
Thông tin Thuốc và Biệt Dược
- Giấy phép ICP số 235/GP-BC.
© Copyright Thuocbietduoc.com.vn
- Email: contact.thuocbietduoc@gmail.com