Đau nhức mỏi ở bả vai, nguyên nhân và cách điều trị
Em năm nay 21 tuổi, hiện đang là sinh viên. Hai năm trước em có bị nhức mỏi ở hai bên vai gần với cột sống. Đặc biệt là lúc tỉnh giấc sau khi ngủ buổi tối, nhưng đau không thường xuyên. Gần đây khoảng 2 tháng thì tình trạng càng tệ hơn là đau cả cột sống, đau thắt và nhất là không trở mình được và nằm ở tư thế nào cũng đau. Cũng như trước, chỉ đau vào lúc tỉnh giấc vào buổi sang. Thời gian ngủ càng lâu thì càng đau nặng hơn. Xin bác sĩ có thể vui lòng cho biết em đang bị bệnh gì không a? Em xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ
Đau vùng gáy, bả vai, cánh tay là chứng bệnh thường gặp, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó là sự rối loạn các thành phần của đường cảm giác ở tủy sống cổ, do quá trình bị thương tổn, bị kích thích đồng thời có ảnh hưởng tới tâm lý…
Xử trí chứng bệnh này có thể đơn giản hoặc phức tạp tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Do vậy người bệnh cần đến khám và điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao để có thể xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Biểu hiện của chứng đau gáy, bả vai, cánh tay
Tùy theo từng mức độ của bệnh mà người bệnh có những biểu hiện khác nhau trong chứng bệnh này. Cơn đau có thể từ vùng gáy lan ra tai, cổ ở một bên. Mức độ đau từ ít đến nhiều có ảnh hưởng tới tư thế đầu - cổ. Cũng có thể cơn đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay cả ở hai bên. Có trường hợp cơn đau bả vai cánh tay ở một bên, sau một thời gian người bệnh có cảm giác tê mỏi ở tay bên đau - đây có thể là biểu hiện của rối loạn phản xạ gân xương. Cũng có những người bị đau lan sang hai bên và kèm theo cảm giác chóng mặt, hoa mắt, ù tai, đi đứng loạng choạng, khó nuốt (uống nước sặc, nghẹn), đồng thời có thể xảy ra rối loạn chức năng, liệt các dây thần kinh VIII, XI, X, XI...
Đặc điểm của vùng gáy cổ là các rễ thần kinh như rễ tủy cổ, rễ sau (có vai trò cảm giác) và rễ trước (có vai trò vận động) hợp thành một dây thần kinh tủy cổ đi ra chi phối khoanh cơ thể qua lỗ tiếp hợp. Do đặc điểm ở đoạn tủy cổ, đốt sống cổ và đốt tủy cổ chênh nhau một đốt nên cần chú ý đánh giá lâm sàng giữa khoanh cơ thể và khoanh đốt sống nhất là các cơn đau (đau từ đốt sống hay từ lỗ tiếp hợp). Màng cứng của tủy theo rễ thần kinh ra tới lỗ tiếp hợp nên có những viêm nhiễm khu trú ảnh hưởng và gây ra chứng bệnh này.
Nguyên nhân đau nhức mỏi ở bả vai
Có nhiều nguyên nhân gây ra đau vùng gáy, bả vai, cánh tay. Do vậy cần chú ý những yếu tố sau:
- Đau vùng gáy, bả vai, cánh tay thường gặp nhất là do tổn thương hay thoái hóa đốt sống cổ, do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ ... Thoái hóa đốt sống cổ thường gặp nhiều ở độ tuổi 40 - 50. Thoái hóa đốt sống cổ nhất là ở lỗ tiếp hợp sẽ gây kích thích dây thần kinh tủy, và lúc đó sẽ gây kích thích đau theo khu vực chi phối của dây thần kinh: Gáy - bả vai - cánh tay. Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ xảy ra khi đĩa đệm bị thoái hóa, mất nước nên dần bị phình và thoát vị. Cả 2 bệnh đều gây ra hiện tượng chèn ép dây thần kinh khu vực cổ vai gáy dẫn tới đau, nhức.
- Đau vùng cổ vai gáy cùng có thể do việc vận động sai tư thế hoặc duy trì 1 tư thế quá lâu. Trường hợp này gặp nhiều ở những người làm việc văn phòng, công nhân, lái xe hay học sinh - sinh viên. Việc giữ nguyên 1 tư thế quá lâu sẽ khiến cho cơ vùng cổ vai gáy bị căng cứng, máu lưu thông kém và dẫn tới hiện tượng đau mỏi.
- Đau vùng cổ vai gáy cũng là hiện tượng thường gặp do cơ thể bị nhiễm phong hàn (nhiễm lạnh), thường thấy nhất ở các nhân viên văn phòng phải ngồi trong phòng điều hòa nhiều, phòng có nhiệt độ quá lạnh.
- Đau vùng gáy, bả vai, cánh tay còn là triệu chứng của ép rễ và ép tủy cổ: Cần phân tích giai đoạn ép rễ (gây đau) và ép tủy (gây liệt các đường dẫn truyền vận động và cảm giác). Do đặc điểm cấu tạo chức năng của tủy sống cổ nên giai đoạn ép rễ (gây đau nhất là đau gáy, bả vai, cánh tay) thường kéo dài, nên dễ bị bỏ qua khi phân định với ép tủy cổ. Có nhiều nguyên nhân gây ép tủy cổ như u tủy cổ, viêm màng nhện tủy cổ, lao...
- Dấu hiệu đặc biệt của u hố sau: Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em, những người trẻ tuổi. Người bệnh có những cơn nhức đầu dữ dội, cơn đau nhức lan từ vùng chẩm phía sau đầu lan xuống gáy, khiến cho người bệnh có cảm giác cứng gáy, rơi vào tư thế “sái cổ”. Ngoài ra nhiều người còn có hội chứng tăng áp lực trong sọ và dấu hiệu thần kinh khu trú. Nếu có những dấu hiệu này cần đi khám nay để kịp thời được phẫu thuật.
Điều trị đau nhức mỏi ở bả vai
Tuỳ theo từng nguyên nhân các bác sĩ sẽ có những phương pháp xử trí khác nhau.
- Nếu nguyên nhân là do việc vận động sai tư thế, duy trì 1 tư thế quá lâu hay do cơ thể bị nhiễm lạnh, bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm đau thông thường bằng đường uống hoặc bằng cao dán. Người bệnh cũng có thể dùng vitamin E 400mg, ngày uống 1 viên nang, sử dụng đợt điều trị từ 1 - 3 lọ.
- Nếu hiện tượng này nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể lựa chọn điều trị bằng biện pháp vật lý trị liệu: xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu.
Đối với những bệnh lý nghiêm trọng hơn liên quan tới xương khớp như thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ,... biện pháp điều trị thích hợp là dùng thuốc kết hợp vật lý trị liệu. Thuốc chữa bệnh có 2 hướng chính, Tây y và Đông y. Mỗi phương pháp có những ưu nhược điểm riêng.
Tây y điều trị chủ yếu sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, giãn cơ,... Hiệu quả của thuốc nhanh nhưng không kéo dài và được khuyến cáo là không dùng trong thời gian dài do có tác dụng phụ tới cơ thể.
Đông y điều trị tập trung vào phục hồi và ổn định lại chức năng của các tạng phủ trong cơ thể (tạng can, tạng thận,...). Bên cạnh việc giảm các triệu chứng đau nhức cổ vai gáy, thuốc Đông y giúp cơ thể hồi phục một cách tổng thể, từ đó giúp hiệu quả của thuốc được lâu dài và hạn chế bệnh tái phát. Tuy nhiên, tác dụng của thuốc khá chậm.
Vì vậy, nhiệm vụ của thuốc sẽ là phục hồi và ổn định lại chức năng của các cơ quan này, giúp mọi hoạt động trong cơ thể đều diễn ra bình thường. Khi đó, bệnh cũng được chữa khỏi một cách lâu dài (chứ không đơn giản chỉ là giảm đau nhất thời như tác dụng của thuốc Tây y thông thường).
Phòng bệnh đau nhức mỏi ở bả vai
Ngoài ra, với những người có hoạt động cúi nhiều, ảnh hưởng đến cổ vai gáy (như diễn viên xiếc, nông dân, công nhân...) nên có những bài tập thể dục dành riêng cho các bộ phận này vào buổi sáng và tối để khôi phục lại chức năng của các dây thần kinh ở đây sau một ngày lao động vất vả.
Những người sử dụng máy tính, làm văn phòng chỉ ngồi một chỗ ít vận động cũng cần lưu ý đến chứng bệnh này.
Nếu có dấu hiệu đau nên đi khám tại các cơ sở y tế để có chỉ định điều trị phù hợp, tránh việc tự điều trị không đúng cách có thể gây tổn thương nặng thêm các dây thần kinh ở đây.
Chúc em mau khỏi!
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ