Gửi câu hỏi>>

Cận thị là gì và các phương pháp điều trị bệnh cận thị

Em bị cận thị từ khi sinh ra đến bây giờ và khi sinh ra mẹ em bảo là cận nhẹ nên chủ quan không cắt kính cho em , đến bây giờ bệnh ngày phát triển, nay em bị cận thị đến 17 độ loạn 3 còn con mắt kia thì cận đến 18 độ không loạn .Nên bay giời mong các Bác tư vấn cho em được hiểu . Còn cách điều trị cận thị như thê nào ? giá cả có nhiều quá không ? gia đình em quá nghèo nên em mới hỏi vậy thôi ! Trong khi chờ đợi câu trả lời của các Bác , em xin chân thành cảm ơn !!
Cận thị là gì và các phương pháp điều trị bệnh cận thị
Trả lời:

Cận thị là gì

Mắt của người bình thường khi nhìn ảnh của vật hiện đúng trên võng mạc, nên nhìn rõ sự vật. Đối với người bị cận thị, ảnh của vật nằm trước võng mạc, nên nhìn vật ở xa thì bị mờ, nhìn vật ở gần mới rõ. Có hai yếu tố nguy cơ gây bệnh cận thị là di truyền và môi trường.

can-thi.jpg
Hình ảnh minh họa mắt bị cận thị

Các dạng cận thị
 
Hai dạng cận thị là do bẩm sinh và mắc phải. 

Bệnh cận thị bẩm sinh do yếu tố di truyền, cha mẹ cận thị thì con cũng bị cận thị. Loại này có đặc điểm là độ cận cao, có thể trên 20 đi ốp, độ cận tăng nhanh cả khi đã ở tuổi trưởng thành, có nhiều biến chứng như: thoái hóa hắc võng mạc, xuất huyết hoàng điểm, bong hoặc xuất huyết thể pha lê, rách hay bong võng mạc..., khả năng phục hồi thị lực của bệnh nhân kém dù được điều trị. 

Bệnh cận thị mắc phải thường gặp ở lứa tuổi học sinh, do các em học tập, làm việc, nhìn gần nhiều trong điều kiện thiếu ánh sáng, mắt không được nghỉ ngơi hợp lý. 

Đặc điểm là mức độ cận nhẹ hay trung bình dưới 6 đi ốp, bệnh tiến triển chậm, ít tăng độ, độ cận thường ổn định đến tuổi trưởng thành, ít bị biến chứng.
 
Mức độ cận thị
 

Theo các sách chuyên sâu về mắt có mức độ cận thị:
 
1. Cận thị nhẹ :
 
Dưới 6 diôp: đáy mắt không có tổn thương ở mạch võng mạc. Độ cận tăng dần từ tuổi học đường đến trưởng thành, tuổi thành niên rồi cố định. Đeo kính phân kỳ thì thị lực trở lại bình thường. Nếu cận thị nhẹ diễn biến bình thường nơi người có sức khỏe bình thường, độ cận sẽ không thay đổi cho đến lúc lớn tuổi, lúc đó lão thị sẽ làm giảm số Diôp, khi đọc sách có thể hạ số kính hoặc bỏ kính.
 
2. Cận thị nặng (Cận thị bệnh):
 
Trên 7 Diôp, dù đeo kính thị lực vẫn không đạt được mức bình thường, mắt trông lớn có vẻ như hơi lồi, đáy mắt có nhiều suy biến nơi mạch mạc và võng mạc.
 
Nhược thị là tình trạng mắt không đưa được những thông tin rõ nét về hình ảnh của sự vật lên não, trung tâm thị giác tại não sẽ lười hoạt động và từ từ dẫn đến giảm khả năng phân tích của não dẫn đến giảm sút thị lực mặc dù không có tổn thương thực thể nào tại mắt.
 

Nguyên nhân cận thị


Có nhiều nguyên nhân gây ra cận thị.

- Do Thủy tinh thể quá phồng hoặc do nhãn cầu dài quá làm cho hình ảnh hiện lên trước võng mô. Bình thường đường kính trước sau của nhãn cầu vào khoảng 20mm, nơi người Cận thị đường kính đó gia tăng làm cho mắt dài quá khổ, hình ảnh thu vào võng mạc bị khuếch tán gây ra mờ, không rõ.
 
- Do không biết điều tiết mắt, bắt mắt làm việc (đọc sách, xem truyền hình…) quá lâu gây mỏi cơ mắt, đọc sách ở nơi không đủ ánh sáng.   

- Thói quen đọc sách, sử dụng thiết bị nhìn không hợp lý. Nhìn ở khoảng cách gần, trong thời gian dài. Khoảng cách hợp lý là đặt sách, vở, thiết bị nhìn cách mắt từ 30cm.

- Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, thiếu Vitamin A, C, E, chất khoáng có trong rau củ, trái cây tươi, thịt, cá biển, trứng giúp duy trì các môi trường trong suốt của mắt, giúp mắt tăng khả năng điều tiết, chống thoái hoá võng mạc và hoàng điểm của mắt.

- Yếu tố di truyền


 
Điều trị cận thị
 
Thị lực có thể phục hồi nếu nhược thị được điều trị khi trẻ dưới 6 tuổi, nhưng khi trẻ đã lớn sẽ rất khó thậm chí không thể hồi phục. Trong trường hợp nhược thị sâu có thể dẫn đến lé, song thị . . . Do vậy phát hiện sớm để được điều trị kịp thời là rất quan trọng.
 
Ở người lớn khi bị cận thị có thể phát hiện sớm nhưng trẻ em đa số chỉ phát hiện khi các cháu bắt đầu đi học, cô giáo thấy đọc sai chữ trên bảng, lộn chữ hoặc bé học sút kém lúc đó mới đi khám và đeo kính thì hơi muộn.
 
Có nhiều phương pháp điều trị cận thị:
 
1. Đeo kính là cách thông dụng, rẻ tiền, dễ áp dụng. Tuỳ theo mức độ cận thị, bệnh nhân cần đeo kính thường xuyên hay chỉ cần đeo kính khi nhìn xa. Nếu bệnh nhân cận thị được chỉnh kính đúng thì tiến triển cận thị sẽ chậm lại, không bị tăng độ. 

Tuy nhiên khi đeo kính, góc nhìn bị thu hẹp, hình ảnh bị thu nhỏ và gây vướng víu cho bệnh nhân. Sử dụng kính sát tròng thì bệnh nhân phải giữ gìn vệ sinh tốt, đeo kính vào sáng sớm và tháo ra buổi tối trước khi ngủ. Không được đeo kính sát tròng khi xuống nước như khi đi tắm biển.
 
2. Bệnh nhân đeo kính sát tròng cần được kiểm tra giác mạc 3 tháng một lần, phải ngưng sử dụng kính nếu có bất thường trên giác mạc hoặc có phản ứng của mắt với kính.
 
3. Phẫu thuật LASIK – sử dụng năng lượng laser để khử độ cận thị. Đối với bệnh nhân trên 18 tuổi có thể điều trị bằng phương pháp mổ laser. Phẫu thuật này khá phổ biến, chính xác và có hiệu quả cao nhất trong phẫu thuật khúc xạ hiện nay, nhất là dùng excimer laser. 

Phẫu thuật LASIK là một trong những phương pháp an toàn và chính xác. Các nhà khoa học, các bác sỹ nhãn khoa đã không ngừng cải tiến và nâng phẫu thuật LASIK lên những tầm cao mới.

Phẫu thuật SBK LASIK

Phẫu thuật tạo vạt giác mạc bằng dao. Nổi bật vì sự an toàn tuy nhiên còn để lại những biến chứng khó chịu sau phẫu thuật và không phù hợp với bệnh nhân có độ cận lớn, độ loạn thị cao.

Phẫu thuật FEMTOSECOND LASIK

Công nghệ tạo vạt giác mạc bằng tia laser. Nổi bật vì sự an toàn và chính xác, tạo vạt theo chiều cong tự nhiên của nhãn cầu nên tầm nhìn sau phẫu thuật rất sắc nét.

Phẫu thuật ReLEx SMILE

Phẫu thuật không lật vạt giác mạc. Độ an toàn và chính xác gần như tuyệt đối, ít gây ra tổn thương hệ thần kinh ở giác mạc, tiết kiệm mô giác mạc tối đa nên  đảm bảo được sự vững chắc cơ học tự nhiên của giác mạc, điều trị được cho bệnh nhân có độ cận và độ loạn thị cao.

Ưu điểm là không đau, thời gian phẫu thuật ngắn dưới 10 phút, độ chính xác cao, hơn 90% bệnh nhân trở về dưới 0,5 đi ốp, phục hồi thị lực nhanh, bệnh nhân nhìn rõ sau mổ 12-24 giờ. 

Tuy nhiên có thể có những biến chứng trong khi phẫu thuật như rách vạt, đứt vạt giác mạc với tỷ lệ rất thấp dưới 1%, hoặc biến chứng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật.
 
4. Phương pháp đặt thủy tinh thể nhân tạo trong mắt được sử dụng khi bị cận nặng, có kèm bệnh đục thủy tinh thể. Dùng vật lý trị liệu như luyện tập điều tiết trên máy, dùng sóng siêu âm, điện, điện tử, laser năng lượng thấp có tác dụng làm phục hồi chức năng điều tiết mắt, tăng cường tuần hoàn cơ thể mi, võng mạc, tăng cường trương lực cơ.
 
5. Phẫu thuật PHAKIC

Giải pháp tối ưu cho bệnh nhân có độ cận thị cao, độ loạn thị lớn, độ dày giác mạc mỏng mà ReLEx SMILE cũng không thể can thiệp được. Kỹ thuật được hiểu là đặt một thấu kính vào sau mống mắt, trước thủy tinh thể, do đó không can thiệp vào cấu trúc mắt, không ảnh hưởng tới hệ mô giác mạc. Phương pháp này đặc biệt dành riêng cho bệnh nhân có độ cận thị cao, độ loạn thị lớn mà LASIK không thể can thiệp được.

Phối hợp điều trị cận thị
 
- Đeo kính phân kỳ thích hợp với độ Diôp của mắt.
 
- Không xem sách ở nơi thiếu ánh sáng.
 
- Không bắt mất làm việc quá lâu.
 
- Hai người nam nữ đều cận thị nặng (quá 9 Diôp trở lên) không nên lập gia đình với nhau để tránh ảnh hưởng di truyền cho con cháu.
 
- Trong lớp nên xếp trẻ cận thị ngồi gần bảng. Không nên học tập, làm việc bằng mắt liên tục và kéo dài nhiều giờ. Nên cho mắt nghỉ ngơi từ 5 đến 10 phút bằng cách nhắm mắt lại hoặc thư giãn bằng cách nhìn ra xa sau mỗi giờ học. Không nên đọc sách trong bóng tối hoặc ngồi trước máy vi tính quá nhiều sẽ gây mỏi mắt. Hạn chế và giảm những triệu chứng mỏi mệt điều tiết do cận thị gây ra, cần làm việc ở khoảng cách thích hợp, từ mắt đến sách khoảng 30 - 40 cm.
 
- Theo các chuyên gia Nhật Bản: người cận thị ăn nhiều chất ngọt có thể làm cho bệnh phát triển thêm do thành phần đường quá nhiều sẽ làm giảm lượng sinh tố B1 thậm chí làm sụt hàm lượng Canxi trong cơ thể khiến cho khả năng đàn hồi của mắt kém đi, dẫn đến giảm thị lực.
 
Bài tập giúp giảm bớt và phòng ngừa cận thị
 
- Ngồi ở ghế nheo 2 mắt lại khoảng 3 - 5 giây, mở ra 3 - 5 giây. Tập 6 - 8 lần.
 
- Chớp mắt nhanh thật nhanh trong suốt 1 - 2 phút.
 
- Đứng lên nhìn về phía trước mắt 2 – 3 phút. Nâng ngón tay trỏ bên phải lên cách mắt khoảng 20 – 25cm, nhìn vào đầu ngón tay 5 phút, hạ xuống. Tập 10 lần.
 
- Giơ tay về phía trước nhìn đầu ngón tay, đưa ngón tay từ từ vào gần mắt cho đến khi thấy nhòa thành 2. Lập lại 8 lần.
 
- Ngồi xuống che mi mắt lại, xoa bóp quanh hốc mắt trong 1 phút.
 
- Đứng lên nâng bàn tay phải lên cách mắt 25 - 30cm duỗi một ngón tay và nhìn nó bằng 2 mắt 3 - 5 giây. Dùng tay trái che mắt trái nhìn bằng mắt phải 3 - 5 giây rồi đổi sang mắt phải. Tập 6 lần mỗi bên 3 lần. 
 
Trường hợp của em nên đi khám chuyên khoa Mắt, tùy theo từng trường họp và hoàn cảnh cụ thể mà Bác sĩ sẽ đề nghị phương pháp điều trị thích họp cho em!
 
Chúc em sức khỏe và thành công!

Thuốc biệt dược
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ


TAG: cận thịcận thị là gìđiều trị cận thịphương pháp điều trị bệnh cận thị




Bạn đọc phản hồi ( xem ở dưới phần QC ) =>

Bạn đọc phản hồi ( 146 )

Bình luận

- Thuocbietduoc.com.vn cung cấp thông tin về hơn 30.000 loại thuốc theo toa, thuốc không kê đơn. - Các thông tin về thuốc trên Thuocbietduoc.com.vn cho mục đích tham khảo, tra cứu và không dành cho tư vấn y tế, chẩn đoán hoặc điều trị. - Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ
- Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Thuocbietduoc.com.vn
Thông tin Thuốc và Biệt Dược
- Giấy phép ICP số 235/GP-BC.
© Copyright Thuocbietduoc.com.vn
- Email: contact.thuocbietduoc@gmail.com