Hội chứng ruột kích thích và phương pháp điều trị
Tôi được Bs chẩn đoán bị hội chứng ruột kích thich và được kê toa điều trị nhiều đợt nhưng không khỏi chỉ bớt, BS nói bệnh này phải chữa dài hạn và khó dứt đươc. Xin đuợc hỏi hiện nay có phuơng pháp mới nào chữa bệnh này có hiệu không? Xin cam ơn.
Trả lời:
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ
Hội chứng ruột kích thích hay còn gọi là hội chứng đại tràng kích thích; đại tràng co thắt. Là một thực thể bệnh lý nằm trong các rối loạn chức năng ống tiêu hóa.
Gọi là rối loạn chức năng vì không tìm thấy một tổn thương thực thể hay rối loạn sinh học nào. Toàn bộ ống tiêu hóa có biểu hiện: nuốt khó, trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn tiêu hóa, đau ngực không do bệnh tim; táo bón hoặc tiêu chảy, đau bụng, chướng bụng.
Hội chứng ruột kích thích là một bệnh lý phổ biến. Trên thế giới, ước tính có khoảng 20% dân số bị hội chứng này. Tại Việt Nam, 30-40% bệnh nhân đến khám chuyên khoa tiêu hóa bị hội chứng ruột kích thích.
Tỷ lệ nữ mắc bệnh cao gấp 4 lần nam; bệnh hay gặp ở lứa tuổi thanh niên.
Người dễ mắc là bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng (hysteria), trầm cảm, ám ảnh hay bị stress tâm lý...
Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Chi phí điều trị rất tốn kém nhưng kết quả lại hạn chế. Đến nay, cơ chế gây hội chứng ruột kích thích vẫn chưa rõ ràng.
Biểu hiện hội chứng ruột kích thích
Những biểu hiện chính của bệnh là đau bụng mạn tính và táo bón, hoặc tiêu chảy không liên tục, kéo dài; có bệnh nhân bị táo bón xen lẫn tiêu chảy.
Tiêu chảy thường xảy ra vào buổi sáng, sau bữa điểm tâm. Sau khi đi ngoài 3-4 lần với phân nhiều nhầy, nước, bệnh nhân thấy đỡ đau và có thể sinh hoạt bình thường.
Tiêu chảy có thể kéo dài hàng tháng, sau đó có khi tự hết mà không cần điều trị.
Táo bón ở người bị hội chứng ruột kích thích thường kết hợp với đau bụng; thường ở bụng dưới. Khi trung tiện được hoặc đi ngoài xong thì đỡ đau hoặc hết hẳn.
Các dấu hiệu lâm sàng trên có thể liên quan đến một số loại thức ăn hay trạng thái tâm lý. Các xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng, xét nghiệm máu cho kết quả bình thường. Nội soi đại tràng không thấy tổn thương thực thể (viêm, loét, u...).
Hội chứng ruột kích thích là bệnh liên quan đến thần kinh nên yếu tố tâm lý rất quan trọng. Bệnh nhân cần hiểu rõ đây là bệnh không nguy hiểm, không tiến triển thành viêm loét hay ung thư đại tràng.
Nên tự thích nghi với điều kiện sinh hoạt, ăn uống, luyện tập thể dục (tập thở, xoa bụng). Tập thói quen đi ngoài hằng ngày vào một giờ nhất định.
Hạn chế các yếu tố làm bệnh nặng thêm như thói quen ăn uống (cá, mỡ, bia, rượu...), căng thẳng thần kinh.
Các thuốc điều trị triệu chứng chỉ được sử dụng khi những biện pháp tâm lý thất bại.
Các triệu chứng thay đổi khác nhau ở mỗi bệnh nhân và có thể thay đổi theo thời gian. Mỗi triệu chứng có thể gặp riêng lẻ trong các triệu chứng rối loạn chức năng ruột khác.
Trong các triệu chứng, người ta phân ra các thể loại lớn:
* Các triệu chứng về tiêu hóa: Đau bụng hoặc bụng khó chịu.
- Đau là triệu chứng chủ yếu của hội chứng ruột kích thích, có khi đau khiến bệnh nhân phải thức dậy khi đang ngủ. Đau
tăng khi bệnh nhân thấy căng thẳng hoặc mệt nhọc, giảm đau khi nghỉ ngơi.
- Khó chịu là cảm giác nặng bụng, thậm chí có cảm giác có khối đá đè trong bụng. Đau và khó chịu sẽ bớt khi đại tiện, trung tiện được và tăng lên khi bị táo bón.
- Chướng bụng: rất thường gặp, đôi khi lại đứng hàng đầu. Lúc ngủ dậy thì không bị, nhưng trong ngày tăng dần lên.
- Rối loạn chuyển vận ruột: biểu hiện bằng số lần đi cầu, thay đổi mật độ và hình dạng của phân như tiêu chảy hoặc táo bón. Hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy ít gặp hơn thể táo bón. Rối loạn chuyển vận ruột có thể ảnh hưởng đến cách thức đi ngoài: mót rặn, đau nhẹ hậu môn, phân có nhày mũi, són phân.
* Các triệu chứng tiêu hóa ở cao: Trào ngược dạ dày thực quản: cảm giác nóng ở thượng vị, buồn nôn, nuốt khó, cảm giác có cục vướng ở họng hoặc đau ngực không do bệnh tim.
* Các dấu hiệu không phải tiêu hóa phối hợp: Bệnh nhân có thể có các triệu chứng ngoài tiêu hóa rất khác nhau.
- Đái khó, rối loạn về phụ khoa, đau nhức đầu, đau lưng, mệt mỏi, khó ngủ, đau cơ. Mệt mỏi hay gặp nhất và gây trở ngại nhất.
- Các triệu chứng về tâm lý rất hay gặp ở bệnh nhân có hội chứng ruột kích thích, thường là trạng thái suy sụp, lo lắng đôi khi còn hơn là người có bệnh thực thể.
Điều trị Hội chứng ruột kích thích
Phần lớn trường hợp mắc hội chứng ruột kích thích không có khả năng điều trị khỏi hoàn toàn; Chưa có một thuốc đơn độc nào có hiệu quả duy nhất với hội chứng ruột kích thích; Điều trị theo triệu chứng nổi trội là hợp lý và hữu ích.
Để giảm các triệu chứng, bệnh nhân cần thực hiện chế độ vệ sinh ăn uống. Cần chú ý các thức ăn làm bệnh tăng như: cà phê, bia, chất xơ, các chế phẩm từ sữa, ăn uống thái quá, nhiều chất béo, tránh sinh hoạt làm việc căng thẳng. Ngoài ra, thuốc nhuận tràng đôi khi cũng làm tăng triệu chứng.
Trong nhiều trường hợp nếu chỉ dùng biện pháp vệ sinh, chế độ ăn uống thôi thì không đủ. Cần phải điều trị bằng thuốc, tùy vào triệu chứng nổi trội và nên phối hợp các thuốc.
Thuốc điều trị trong Hội chứng ruột kích thích
- Thuốc chống tiêu chảy: Loperamid (inodium) là một opioid, không qua hàng rào máu não, làm giảm nhu động ruột. Viên 2mg, 1-2viên x 2-3 lần/ngày.
- Diphenoxylate (diarsed), viên có chứa diphenoxylate và atropine, điều trị tăng vận động ruột.
- Thuốc chống táo bón: Forlax gói 10g. Cisapride cũng có khả năng làm tăng vận động chuyển ruột.
- Thuốc chống đau: Nếu đau là triệu chứng nổi trội thì có thể dùng các thuốc chống co thắt, kháng cholin, các thuốc chống trầm cảm, an thần, các thuốc ức chế kênh calci, các thuốc điều chỉnh ngưỡng đau.
- Đau sau ăn: dicyclomine, dicycloverine (kremil-S); chống co thắt uống spasmaverine; thuốc kháng cholinergic; pinaverium (dicetel), thuốc đối kháng Ca ở dạ dày – ruột, trimebutine (debridat); nospa viên; mebeverine (dupastaline), một dẫn chất của papaverine.
- Khả năng điều trị dứt điểm rất khó khăn. Vì vậy, mỗi bệnh nhân cần hiểu rõ về bệnh để duy trì cuộc sống ổn định, thích nghi với nó.
Chúc bạn sức khỏe!
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ