Bé bị sốt sau tiêm phòng thì nên làm gì
Thưa bác sĩ, bé nhà tôi được 3 tháng tuổi, sau khi tiêm phòng cháu bị sốt 38,5 độ, quấy khóc và có vẻ mệt mỏi, ngủ nhiều .Vậy những biểu hiện đó có nguy hiểm không và tôi có cần phải điều trị thuốc paracetamol cho cháu không ? Xin cảm ơn bác sĩ .
Trả lời:
Chúc bạn và gia đình sức khoẻ.
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ
Tiêm phòng là một trong những điều cần thiết giúp trẻ phát triển và bảo vệ trẻ em khỏi nhiều căn bệnh nguy hiểm. Vì thế, cha mẹ cần cho trẻ đi tiêm chủng đúng thời điểm và biết cách xử lý tại nhà những biến chứng sau khi tiêm chủng.
Vắc-xin là những chế phẩm được làm từ vi sinh vật (hoặc từ một phần cấu trúc) đã bị chết hoặc đã bị làm yếu đi dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể. Trước khi chích ngừa, bác sỹ cần thăm khám cho trẻ để đảm bảo trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, khi chích ngừa tạo miễn dịch tốt hơn. Trước khi chích ngừa vài ngày, trẻ không được dùng kháng sinh.
Sau khi tiêm phòng 1 vài giờ hoặc 1 ngày, một số trẻ có thể bị sốt: sốt thường nhẹ, nhưng cũng đôi khi sốt cao (trên 39o), kèm theo tình trạng vật vã, quấy khóc, những trẻ lớn có thể kêu nhức đầu. Chứng sốt này hay thấy hơn cả trong các trường hợp tiêm phòng bệnh thương hàn, tiêm phòng bệnh ho gà. Cũng có trường hợp, sau khi tiêm phòng sau tới 5-12 ngày, trẻ mới bị sốt: thông thường chứng sốt muộn này xảy ra sau khi tiêm phòng bệnh sởi, đôi khi tiêm phòng bệnh quai bị.
Cách hạ sốt cho bé khi tiêm phòng
Khi bé bị sốt sau khi tiêm phòng, tốt nhất, bạn nên cặp nhiệt độ cho bé để theo dõi thân nhiệt. Cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát, mặc quần áo rộng, thoải mái, chườm mát cho trẻ bằng khăn ẩm nhưng không chườm đá hay nước lạnh. Đa số các trường hợp sốt đều khỏi trong 1 – 2 ngày.
Tuy nhiên, khi bé sốt cao 38°C, cách hạ sốt cho trẻ sơ sinh khi tiêm phòng là lau mát kèm dùng thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol theo hướng dẫn của bác sỹ, đặc biệt chú
ý khi sử dụng thuốc cho trẻ dưới ba tháng tuổi.
Bên cạnh đó, khi sốt cao có thể gây ra tình trạng mất nước, rối loạn cân bằng điện giải trong cơ thể. Do đó, bạn nên bù lượng nước mất qua da và điện giải do sốt bằng cách cho uống nhiều nước, bú nhiều lần hơn hay ăn cháo loãng có nêm chút muối.
Vệ sinh cơ thể bé sạch sẽ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín. Không để trẻ bị nhiễm lạnh, nhất là khi tắm và khi trẻ ngủ vào ban đêm.
Cách giúp bé giảm hoặc không bị sốt sau khi tiêm phòng?
Hiện có vắc-xin phối hợp là ho gà vô bào (Pentaxim), có thể giảm các tác dụng không mong muốn, ít gây sốt, sưng tấy nơi tiêm và trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Tiêm vắc-xin này giúp phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan siêu vi B, viêm phổi, viêm màng não mủ do Haemophilus Influenzae týp B (Hib)… Bạn có thể chọn loại vắc-xin này để tiêm phòng cho con.
Với vắc-xin có thành phần ho gà toàn tế bào (Quinvaxem), khi tiêm vắc-xin này thường gây phản ứng tại chỗ và sốt nhiều hơn vắc-xin ho gà vô bào. Tuy nhiên, loại vắc-xin này có ưu điểm quan trọng là kích thích cơ thể sinh kháng thể mạnh hơn, kéo dài hơn và có hiệu quả bảo vệ cao hơn vắc-xin ho gà vô bào.
Những biểu hiện nguy hiểm cần đến bệnh viện
Sau khi tiêm thuốc, bạn nên cùng trẻ ở lại phòng tiêm khoảng 30 phút, không nên cho trẻ ra về ngay để đề phòng trường hợp sốc phản vệ có thể xảy ra. Trong một vài trường hợp, bạn đã áp dụng nhiều cách hạ sốt cho trẻ sơ sinh khi tiêm phòng nhưng thân nhiệt của bé không giảm hoặc bé có vài biểu hiện như khóc dai dẳng hơn ba giờ, co giật, thân nhiệt không giảm, bạn nên đưa bé đến những cơ sở y tế đáng tin cậy để bé được chăm sóc khẩn cấp.
Chúc bạn và gia đình sức khoẻ.
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ