Thai phụ cần điều trị viêm âm đạo trước khi sinh
Thưa bác sĩ, hiện em đang mang thai chuẩn bị tới ngày sanh rồi nhưng em bị viêm âm đạo có điều trị và đặt thuốc nhưng không hết vậy khi sanh có ảnh hưởng gì tới bé không? Em xin cảm ơn!
Trả lời:
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ
Nhiễm nấm âm đạo trong thời kỳ “bầu bí” là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, việc điều trị kịp thời và đúng cách rất quan trọng với sức khoẻ của chị em và thai nhi.
Nguyên nhân
- pH âm đạo thay đổi khi mang thai khiến phụ nữ mang bầu dễ bị nhiễm nấm.
- Những thay đổi nội tiết trong cơ thể phụ nữ khi mang bầu làm thay đổi pH ở âm đạo, vì thế họ rất dễ gây nhiễm nấm âm đạo.
- Sự tăng hoặc giảm lượng đường hoặc axit của cơ thể cũng có thể là nguyên nhân gây nhiễm nấm âm đạo.
Triệu chứng
Biểu hiện thường thấy của tình trạng nhiễm nấm âm đạo:
- Vùng âm đạo tấy đỏ, ngứa, đau và nóng rát.
- Đi tiểu thường xuyên, sưng hoặc tấy ở phía ngoài âm đạo.
- Có dịch màu trắng hoặc ngà chảy ra từ âm đạo.
Bé sơ sinh của người mẹ bị viêm âm đạo do nấm, khi sổ thai ngang qua âm đạo, có thể bị dính nấm vào niêm mạc miệng gây viêm niêm mạc miệng (đẹn) hoặc viêm da do nấm. Nếu bé đã bị suy dinh dưỡng trong tử cung hoặc sanh non tháng, đề kháng yếu, có thể gây viêm phổi do nấm, nhưng hiếm gặp.
Khi có biểu hiện bất thường về dịch tiết âm đạo, bạn nên đi khám chuyên khoa để có những chuẩn đoán và điều trị kịp thời. Tránh điều trị nấm bằng thuốc uống vì thuốc rất có thể có hại cho thai nhi.
Trong thời gian 3 tháng cuối của thai kỳ khi các bộ phận bên trong của thai đã phát triển tương đối hoàn thiện thì bạn có thể dùng các biện pháp điều trị tự nhiên.
Hiện nay, có một vài loại thuốc viên đặt âm đạo đã được nghiên cứu và được Tổ chức Y tế thế giới xác định rằng không gây tác hại lên thai nhi nên sử dụng được trong thai kỳ. Tuy nhiên, điều cần nhớ là, đặt thuốc vào trong âm đạo khi đang mang thai có thể gây chảy máu do chạm vào các mạch máu nhỏ dễ vỡ của âm đạo và cổ tử cung. Vì vậy, chỉ khi nào cần thiết, bác sĩ mới cho toa mua thuốc đặt âm đạo phù hợp và hướng dẫn sử dụng để không gây ảnh hưởng đến thai phụ và thai nhi.
Điều quan trọng hơn trong việc sử dụng thuốc là, phụ nữ mang thai phải giữ gìn vệ sinh thật tốt, mặc đồ lót bằng chất liệu cotton, thoáng, không rửa vùng kín bằng các loại xà phòng có tính sát khuẩn cao vì có thể làm thay đổi môi trường kháng khuẩn tự nhiên trong âm đạo, cũng không nên làm sạch bằng cách thụt rửa sâu bên trong âm đạo. Bạn có thể vệ sinh âm đạo bằng nước lá chè xanh đun sôi để nguội làm vệ sinh âm đạo.
Chúc bạn mẹ tròn con vuông!
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ