Bổ sung sắt cho phụ nữ có thai
Em muốn biết vì sao phụ nữ mang thai phải uống viên sắt, em lên uống mấy viên sắt ferrovit mỗi ngày, em ăn uống hàng ngày không nhiều lắm.
Trả lời:
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ
Trong thai kỳ, nhu cầu và sắt và acid folic ở phụ nữ tăng lên rất nhiều so với bình thường, để cung cấp cho cơ thể và thai nhi. Chính vì vậy, nếu không bổ sung đủ lượng dưỡng chất cần thiết, các chị em phụ nữ bầu rất dễ bị thiếu máu thiếu sắt khi mang thai, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
Vai trò của sắt đối với phụ nữ mang thai
Sắt là một trong những chất khoáng rất quan trọng đối với cơ thể con người, đặc biệt là phụ nữ có thai vì khi có thai, dự trữ sắt có sẵn trong cơ thể không đáp ứng nhu cầu tạo hồng cầu ngày càng nhiều để nuôi thai. Trong những tháng đầu tiên của thai kỳ, việc thiếu sắt dễ gây sẩy thai hoặc thai bị chết lưu. Đến những giai đoạn sau, thiếu sắt có thể dẫn đến hiện tượng đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai.
Đối với người mẹ, nếu thiếu sắt khi mang thai, bà bầu sẽ cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt và có khi còn ngất xỉu. Nếu thiếu sắt trong giai đoạn sinh nở có thể sẽ bị băng huyết sau khi sinh, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Liều lượng bổ sung sắt
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, muốn duy trì một thai kỳ khỏe mạnh, người mẹ mang thai nên bổ sung ít nhất 27mg chất sắt mỗi ngày (không vượt quá 45mg) và dùng trong suốt thời kỳ mang bầu, liều lượng phù hợp với từng trường hợp phải do bác sĩ khám và chỉ định. Thông thường nhất là bổ sung bằng thực phẩm. Bên cạnh đó là việc dùng thuốc sắt. Trên thị trường hiện nay, sắt II sulfat thường được phối hợp với acid folic, vitamin C, vitamin nhóm B… do sự phối hợp này làm tăng tác dụng của thuốc.
Lưu ý khi dùng viên sắt
Thời gian uống thuốc trong ngày: Thuốc được hấp thu tốt hơn nếu uống lúc đói, nên thường uống thuốc trước khi ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ. Uống liên tục trong suốt thời kỳ có thai cho đến 1 tháng sau khi sinh.
Cách thức dùng thuốc: Uống thuốc với ít nhất nửa cốc nước. Không uống thuốc khi nằm. Không nhai viên thuốc khi uống.
Giữ khoảng cách với thuốc chứa canxi: Nếu phải bổ sung đồng thời sắt và canxi, bạn nên uống hai loại thuốc này cách xa nhau. Ví dụ, nếu sau bữa sáng, bạn uống canxi thì nên uống sắt vào bổi chiều (sau ăn trưa 2 giờ). Đồng thời nên hạn chế uống sắt hoặc canxi vào trước giờ đi ngủ vì chúng có thể gây nóng người khiến giấc ngủ không sâu.
Những thứ cần tránh dùng cùng viên sắt
Uống thuốc với nước trà (chè): Phụ nữ mang thai không nên uống sắt với nước chè vì chè cản trở sự hấp thu sắt mà nên uống với nước lã đun sôi để nguội.
Uống chung với một số thuốc khác: Đặc biệt là các thuốc kháng axit trị viêm loét dạ dày - tá tràng vì làm cho sắt không được hấp thu và không uống chung với tetracyclin vì làm cho cả hai thuốc đều bị giảm hấp thu.
Phụ nữ mang thai bổ sung quá nhiều sắt có thể gây rối loạn chức năng tim mạch.
Tác dụng phụ khi dùng thuốc sắt
Các viên sắt cổ điển thường gây ra các vấn đề như khó chịu ở dạ dày, nóng ngực, có vị tanh kim loại ở miệng, đặc biệt là gây táo bón. Nguyên nhân là do cơ thể hấp thu kém hầu hết các dạng sắt, do đó khi sử dụng, một lượng lớn sắt bị đào thải ra ngoài theo đường tiêu hóa. Chính lượng sắt thừa này sẽ gây nên các tác dụng không mong muốn như trên. Do vậy, để hạn chế các tác dụng phụ này, phụ nữ mang thai nên thực hiện một số biện pháp sau:
Để giảm táo bón: Nên uống nhiều nước, bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ hoặc có thể uống các loại thuốc trị táo bón theo đơn của bác sĩ.
Giải quyết tình trạng ợ nóng, khó chịu ở bụng, buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy: Để đối phó với tình trạng này, phụ nữ mang thai thử bổ sung sắt vào các thời điểm khác nhau trong ngày để tìm ra thời điểm thích hợp nhất.
Giải pháp khác: Bạn có thể giảm liều lượng để cơ thể làm quen rồi từ từ tăng dần hoặc thử chia nhỏ lượng sắt cần uống thành nhiều liều để giảm thiểu sự khó chịu. Nếu các phương pháp này đều không hiệu quả, phụ nữ mang thai có thể tìm cách bổ sung một phần hoặc toàn bộ lượng sắt cần thiết qua thực phẩm. Một giải pháp khác là dùng các loại thuốc có hoạt tính chậm hơn.
Dấu hiệu thừa sắt do dùng quá liều
Khi bổ sung sắt quá mức có thể dẫn tới tăng nồng độ sắt tự do và tăng nồng độ huyết sắc tố trong máu người mẹ làm cản trở quá trình cung cấp máu từ mẹ sang con, dẫn đến tình trạng bị sinh non, thiếu cân và tăng nguy cơ tử vong cho sản phụ. Về lâu dài, lượng sắt dư thừa được tích lũy trong gan và lá lách, nếu tích lũy kéo dài có thể dẫn tới suy gan, suy lách, đái tháo đường do rối loạn chức năng tụy, có thể làm rối loạn chức năng tim mạch và hàng loạt các biến chứng khác.
Dấu hiệu của bà bầu khi bị thừa sắt, nếu nhẹ có thể nôn, tiêu chảy hoặc táo bón, nếu nặng có thể đi tiểu ra máu, đau bụng… Nếu thấy như vậy, bà bầu trước hết cần ngưng uống thuốc bổ sung sắt và nhanh chóng đi khám chuyên khoa sản phụ để được xử trí kịp thời.
Bệnh thiếu máu thiếu sắt khi mang thai
Nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt khi mang thai
Bà bầu bị thiếu sắt do nồng độ huyết sắc tố trong máu ở mẹ có thể giảm rất đột ngột do nhu cầu tăng trưởng của bé. Sự gia tăng thể tích máu trong thai kì cũng gây thiếu máu vì nồng độ huyết sắc tố giảm do bị pha loãng so với bình thường.
Chế độ ăn uống ít chất sắt. Thực đơn ăn kiêng hà khắc, hoặc chỉ ăn các loại thức ăn năng lượng thấp đều có thể dẫn đến bà bầu thiếu sắt, thiếu máu.
Bà bầu nhẹ cân khi bắt đầu mang thai hoặc bà bầu nghén nặng sẽ có nguy cơ thiếu máu cao hơn những bà bầu khác.
Các loại mất máu như dọa sẩy thai, xuất huyết trước sinh hoặc các loại xuất huyết khác đều có thể là nguyên nhân của thiếu máu.
Nguy cơ bà bầu thếu sắt, thiếu máu cao hơn nếu mang đa thai.
Thời gian để nguồn sắt dự trữ tái bổ sung sẽ không đủ nếu thai kì lần này quá gần lần sảy thai trước.
Các bệnh lý mạn tính có liên quan đến máu cũng là nguyên nhân gây ra thiếu máu.
Biểu hiện và ảnh hưởng của thai phụ thiếu máu do thiếu sắt
– Khi thai phụ thiếu máu do thiếu sắt thì kết quả xét nghiệm máu cho thấy hemoglobin (Hb) dưới 10,5g/dl, serum ferritin dưới 30g/dl, độ bão hòa transferrin dưới 20%.
– Khi thiếu máu thiếu sắt thai phụ thường có biểu hiện mệt mỏi, làm việc khó tập trung, đôi khi hoa mắt chóng mặt. Nặng hơn là nhức đầu, khó thở khi gắng sức, năng suất lao động giảm, da xanh, hay bị chóng mặt, niêm mạc mắt nhợt nhạt… và tăng nguy cơ tai biến rủi ro khi sinh.
– Thiếu máu do thiếu sắt khi mang thai làm tăng nguy cơ sinh non, sẩy thai, thai chết lưu… Ngoài ra ra còn làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi.
Cách điều trị thiếu máu thiếu sắt khi mang thai
Sàng lọc bệnh thiếu máu ở lần khám thai đầu tiên
Trong lần khám thai tại tam cá nguyệt đầu tiên, hãy lấy máu và xác định nồng độ hemoglobin và ferritin.
Ở các lần khám tiếp theo, mẹ cần xác định nồng độ huyết sắc tố. Nếu không cần bổ sung sắt, hãy tham khảo đánh giá y tế bổ sung. Nếu nồng độ huyết sắc tố là bình thường trong giai đoạn đó của thai kỳ, hãy giảm liều lượng sắt bổ sung xuống 30 mg mỗi ngày.
LƯU Ý: Người có làn da ngăm đen hơn thường nồng độ hemoglobin thấp hơn 0,8 mg so với những người khác.
Sàng lọc bệnh thiếu máu ở lần khám thai tiếp theo
Trong tam cá nguyệt thứ hai, mẹ hãy xét nghiệm máu và xác định nồng độ ferritin huyết thanh. Mặc dù nồng độ ferritin trong huyết thanh giảm trong thời kỳ này, phép đo có thể hữu ích trong việc hỗ trợ phân tích giá trị huyết sắc tố.
Trong tam cá nguyệt thứ ba, mẹ cần lấy mẫu máu và xác định nồng độ hemoglobin.
Sàng lọc phụ nữ có nguy cơ cao bị thiếu máu sau sinh
Phụ nữ có nguy cơ cao bị thiếu máu do thiếu sắt sau khi sinh 4 đến 6 tuần. Các yếu tố nguy cơ gây thiếu máu như mất máu quá nhiều trong khi sinh hoặc sinh nhiều con. Lấy mẫu máu và xác định nồng độ huyết sắc tố. Phân tích kết quả với các tiêu chí giống như đối với phụ nữ không mang thai.
Phòng ngừa thiếu sắt khi mang thai
Sử dụng viên sắt trước khi có ý định mang thai 3 tháng và trong suốt thai kỳ theo chỉ định của bác sĩ sản khoa. Khám thai định kì để biết được tình trạng sức khỏe của cơ thể và thai nhi.
Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ và chú ý ăn thực phẩm chứa nhiều sắt:
– Những loại thực phẩm chứa nhiều sắt: thịt bò, thịt nạc, lòng đỏ trứng gà, ngao, súp lơ xanh, rau bina, bí ngô, mì, ngũ cốc, bánh mì, các loại hạt, chuối, nho, mía…Để tăng cường khả năng hấp thụ sắt, nên nấu nướng thức ăn trong chảo gang, tránh uống cà phê hay trà trong bữa ăn.
– Bên cạnh đó nên ăn các thực phẩm giàu vitamin C như dâu tây, cam cùng với các loại thực vật giàu sắt như rau bina, súp lơ xanh… Bữa ăn nhẹ nên có dừa nạo sợi, các loại hạt, nho khô và chà là. Bởi vitamin giúp hấp thụ sắt tốt hơn.

Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ