Hỏi về hiện tượng nhiều đờm và khó thở ở người cao tuổi
Tôi 66 tuổi, thường bị đàm nhiều và khó thở, xin cho biết , tôi có thể dùng Theophylin được không ? liều dùng như thế nào ? nên dùng trong thời gian bao lâu ? Xin chân thành cám ơnKhó thở là một cảm giác khó chịu đặc biệt khi hô hấp. Người bệnh mô tả nhiều trạng thái như: không đủ không khí, không khí không vào phổi ngay, ngực bị bó chặt hay cảm giác nghẹt thở... Khó thở phải ngồi dậy hoặc tư thế nửa nằm nửa ngồi, nắm tay vào chấn song cửa sổ hoặc thành giường. Nhịp thở nhanh nông (bình thường 12-16 lần/phút). Có thể chia ra khó thở cấp và khó thở từ từ chưa đến mức độ cấp.
Nguyên nhân khó thở cấp
Cơn hen phế quản: Khó thở ra, xuất hiện đột ngột, gặp khi thời tiết thay đổi, người bệnh cảm thấy ngột ngạt, thường phải vịn tay vào thành giường để thở. Có tiền sử dị ứng và tái phát nhiều lần. Sau cơn khó thở có ho hoặc không ho và khạc ra nhiều đờm, đờm có thể rắn, keo lại như tép bưởi. Chụp Xquang hai trường phổi sáng hơn bình thường. Cần làm chức năng hô hấp để xác định thêm.
Tràn khí màng phổi: Khó thở dữ dội sau một cơn đau ngực, gọi là “tiếng sét đánh giữa trời quang”. Khó thở khi hít vào, mặt nhợt nhạt, trán vã mồ hôi, có khi buồn nôn. Gõ phổi vang, rì rào phế nang giảm, rung thanh giảm. Xảy ra trên những người giãn phế nang, ho gà, kén hơi ở phổi hay sau một động tác làm việc gắng sức. Xquang thấy nhu mô phổi bị ép lại thành một cụm ở rốn phổi
Dị vật vào đường thở: Cơn khó thở xảy ra đột ngột, mặt môi tím đen, có tiếng cò cử, ngạt thở dữ dội, vã mồ hôi, nửa giờ sau dị vật xuống thấp hơn thì khó thở nhẹ dần. Nếu dị vật nằm ở thanh khí quản, không xuống được, mặt, môi bệnh nhân tím tái. Dị vật lớn bít kín đường thở, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể chết.
Viêm phế quản phổi: Viêm phế quản phổi gặp ở trẻ em và người già. Người bệnh sốt 39o- 40oC. Khó thở xuất hiện dần dần, thở nhanh, nông ngày càng tăng, cánh mũi phập phồng. Nghe phổi hai bên có nhiều ran ẩm, ran nổ, ran rít. Ho có nhiều đờm, dịch nhầy. Chụp Xquang thấy đám mờ không đều, rải rác hai phế trường. Xét nghiệm máu bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao.
Đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Thường gặp ở người có tuổi, tiền sử hút thuốc. Tổng cộng một năm ho khạc đờm trên dưới 3 tháng/lần, có thể có sốt, ho nhiều, đờm đặc màu vàng, xanh. Khó thở liên tục hoặc từng cơn, nhịp nhanh nông, nghe phổi nhiều ran ẩm, ran ngáy. Bệnh nhân thấy ngột ngạt, thiếu không khí, bủn rủn chân tay, môi tím, vã mồ hôi.
Phù phổi cấp: Khó thở xảy ra đột ngột, hay gặp về ban đêm, khó thở nhanh, nông, mặt môi tím ngắt, khạc ra bọt màu hồng. Khó thở trên một người bị hẹp van hai lá, hở động mạch chủ, tăng huyết áp, suy tim trái, viêm thận cấp, mạn. Nghe phổi có tiếng ran nổ hai thì. Lúc đầu nghe ở đáy phổi, sau tiếng ran nghe cao dần lên phía trên, gọi là dấu hiệu “nước thuỷ triều dâng”. Chụp Xquang phổi thấy hai phế trường mờ lan tỏa, vùng rốn phổi tăng đậm.
Urê máu cao: Nhịp thở nhanh nông, nếu nặng có nhịp thở Sen-stốc, kèm theo nhức đầu, nôn, đi lỏng, gặp ở người viêm thận cấp hoặc mạn tính, sỏi thận. Cần làm xét nghiệm chức năng thận và nước tiểu.
Toan máu: Khó thở nhanh nông, giai đoạn cuối chuyển sang nhịp thở Cuxmon, kèm theo nhức đầu, nôn mửa, đi lỏng, mệt mỏi, xảy ra ở người đái tháo đường không được điều trị. Cần xét nghiệm nước tiểu tìm thể Cetonnic và đường, xét nghiệm dự trữ kiềm giảm.
Khó thở ít, chưa đến mức cấp cứu
Viêm phổi: Bệnh nhân sốt cao 39- 40o, miệng có các nốt nhiệt, ho ra đờm màu rỉ sắt. Đau ngực, khó thở từ từ. Khám thấy bên phổi bị bệnh rung thanh tăng, gõ đục, có ran nổ một thì. Chụp Xquang thấy hình tam giác mờ đồng đều, đỉnh quay vào trong, đáy ra ngoài. Xét nghiệm thấy bạch cầu đa nhân trung tính tăng. Gặp ở người khỏe mạnh.
Tràn dịch màng phổi: Khó thở nhiều, hít vào khó, có thể có ho khan, sốt đau ngực bên tràn dịch. Đôi khi nằm nghiêng về bên tràn dịch thì dễ thở. Chụp Xquang phổi có hình mờ ở đáy phổi, có đường cong Damoiseau. Chọc màng phổi thấy dịch màu trong, vàng chanh, máu hay mủ. Cần xét nghiệm dịch màng phổi về lượng protein, tế bào và vi khuẩn.
Khó thở do các bệnh tai, mũi, họng như viêm mũi, viêm sưng amidan, viêm phù nề thanh quản, cần khám chuyên khoa tai mũi họng.
Suy tim: Khó thở khi gắng sức, như mang vác vật nặng 5-10kg lên thang gác. Có khi chỉ cần mặc quần áo, đi vệ sinh, trở mình là đã khó thở. Đi tiểu ít, có thể phù hai chân, mặt xanh tím. Cần chụp Xquang, làm điện tâm đồ, siêu âm tim và khám chuyên khoa tim mạch. Suy tim thường xảy ra trên bệnh nhân mắc các bệnh van tim, bệnh tâm phế mạn, tràn dịch màng ngoài tim, thiếu B1 (nay ít gặp). Giai đoạn suy tim mất bù thì khó thở trở thành cấp cứu.
Khó thở do một số nguyên nhân khác
Đau ngực do thần kinh liên sườn: Mỗi lần hít thở thì ngực đau chói, nên có cảm giác khó thở. Khó thở ở những người rối loạn thần kinh thực vật, khám không thấy các biểu hiện bệnh lý về tim phổi. Gù vẹo cột sống gây rối loạn thông khí đưa đến tâm phế mạn và suy hô hấp, bệnh nhân thấy khó thở. Khó thở do chấn thương lồng ngực, do gãy xương sườn hay đụng dập phần mềm của lồng ngực. Khó thở do liệt cơ hô hấp khi bị đứt tuỷ sống cổ, do nhược cơ (bệnh tuyến hung). Ngạt thở do hít phải hơi độc hoá chất, khói...
Trước một trường hợp khó thở cấp tính cần chuyển gấp người bệnh đến trung tâm cấp cứu có đủ thuốc, thiết bị y tế cấp cứu như dụng cụ đặt nội khí quản, mở khí quản (khi cần), máy Xquang, máy thở ôxy và kíp thầy thuốc chuyên trách. Nếu không phải bệnh cấp cứu thì đưa người bệnh đi khám ở cơ sở y tế chuyên khoa.
Trường hợp của bác để xác định được nguyên nhân có nhiều đờm và khó thở thì bác nên đi khám tổng quá để có chẩn đoán bệnh chính xác và tư vấn điều trị từ các bác sĩ chuyên khoa. Bác không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Chúc bác sức khỏe!
Bs.Thuocbietduoc
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ