Thuốc trị bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính
Bố tôi bị bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính .Tôi muốn biết về bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính và thuốc điều trị bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính.
Trả lời:
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease - viết tắt là COPD) là một trong các bệnh lý hô hấp thường gặp và gây ảnh hưởng nặng nề cho sức khỏe cộng đồng, là một trong những nguyên nhân gây bệnh và tử vong hàng đầu trên thế giới.
Cứ mỗi 100 người Việt Nam sẽ có 2 đến 6 người có bệnh COPD. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh là hít phải khói thuốc lá, thuốc lào, khói bếp than, bụi nghề nghiệp… Người mắc bệnh ở giai đoạn I và II thường có các biểu hiện chính như ho kéo dài, khạc đờm kéo dài, có thể xuất hiện khó thở khi tiếp xúc các yếu tố nguy cơ như khi hút thuốc, hít phải khói thuốc, khói bếp, hoặc khi thay đổi thời tiết. Sang giai đoạn III và IV, COPD đã ở thể nặng hoặc rất nặng. Bệnh nhân có khó thở khi gắng sức nhẹ hoặc liên tục. Các biểu hiện khác kèm theo như có thể thấy phù chân, tím môi ...
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh lý bao gồm bệnh viêm phế quản mãn tính và bệnh khí phế thũng, với tình trạng giới hạn thông khí ở phổi và không thể phục hồi hoàn toàn.
Khi ta hít vào, không khí sẽ từ khí quản đi xuống phế quản (chia làm hai nhánh: phế quản phải và phế quản trái), tiếp tục đi xuống tiểu phế quản (những nhánh nhỏ của phế quản), rồi đi đến phế nang (túi khí tận cùng của tiểu phế quản). Ở các phế nang, khí oxy sẽ đi vào các mao mạch bao quanh phế nang. Và đồng thời khí cacbonic sẽ từ mao mạch đi vào phế nang, rồi được thở ra ngoài. Đây là quá trình trao đổi khí tự nhiên trong cơ thể. Ở người mắc bệnh COPD, do thành phế nang bị tổn thương bởi áp lực lớn của tình trạng viêm nhiễm lâu ngày, quá trình trao đổi khí này mất cân bằng, dẫn đến tình trạng thiếu oxy cho cơ thể.
Hiện nay ở nước ta, do thói quen hút thuốc lá và môi trường sống ô nhiễm nên bệnh COPD đang ngày càng có chiều hướng gia tăng.
Nguyên nhân bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính
- Hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu.
- Sự tiếp xúc lâu ngày với các chất kích ứng phổi: bụi, khói hóa chất dộc hại như thợ mỏ, công nhân hóa chất rất dễ mắc phải căn bệnh này.
Triệu chứng bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính
Ho.
Khó thở.
Tức ngực.
Hơi thở ngắn.
Khò khè.
Có đờm vàng…
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh COPD sẽ gây ra các biến chứng suy tim, suy hô hấp… có thể dẫn đến tử vong!
Thuốc trị bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính
Sau đây là một số thuốc thường được sử dụng trong điều trị bệnh COPD, có tác dụng làm chậm quá trình tiến triển bệnh và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Nhóm thuốc chủ vận ß2: kích thích thụ thể ß2 trên cơ trơn phế quản, giúp cho thông khí dễ dàng, hồi phục hô hấp. Nhóm thuốc này thường được sử dụng ở dạng thuốc thuốc xịt, giúp làm giảm các cơn khó thở xảy ra đột ngột và được chia làm 2 nhóm:
- Nhóm tác động ngắn hạn: gồm có salbutamol, terbutalin…
- Nhóm tác động dài hạn: gồm có salmeterol, formoterol…
- Tác dụng phụ gồm có run cơ, vọp bẻ, nhức đầu, buồn nôn và tim đập nhanh…
- Nhóm thuốc kháng cholinergic: tác động bằng cách ức chế acetylcholine gây giãn phế quản và giảm tiết dịch nhầy.
- Nhóm thuốc này thường được sử dụng ở dạng thuốc xịt, thay thế cho những bệnh nhân bị tác dụng phụ với thuốc chủ vận ß2 và được chia làm 2 nhóm:
- Nhóm tác động ngắn hạn như: ipratropium.
- Nhóm tác động dài hạn như: tiotropium.
- Nhóm thuốc corticosteroid (prednisolon, fluticason, budesonid, beclomethason…): tác động kháng viêm lên đường hô hấp giúp phế quản không còn bị hẹp do viêm nhiễm và giảm sự tổn thương ở phổi. Nhóm thuốc này thường được sử dụng ở dạng thuốc xịt hay thuốc viên.
Cần lưu ý: không sử dụng nhóm thuốc corticosteroid với người có tiền sử viêm loét dạ dày, cao huyết áp, đái tháo đường…
- Nhóm thuốc cromone (cromolyn natri, nedocromil natri…) thường được sử dụng ở dạng thuốc xịt. Các thuốc này ngăn cản sự phóng thích các chất trung gian hóa học như histamin, serotonin… gây ra các phản ứng viêm và dị ứng đường hô hấp.
Cần lưu ý: không sử dụng nhóm thuốc này cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.
Khi sử dụng dạng thuốc xịt, người bệnh phải dùng thuốc đều đặn và đúng số nhát xịt mà bác sĩ chỉ định. Không nên tự ý tăng giảm liều hay đột ngột ngưng thuốc.
- Theophyllin là một hoạt chất thuộc nhóm xanthin có tác dụng giãn phế quản, giúp làm giảm các triệu chứng khó thở, khò khè… ở người mắc bệnh COPD.
Theophyllin thường được trình bày ở dạng thuốc viên với hàm lượng 100mg.
* Thuốc kháng sinh: chỉ sử dụng khi có biểu hiện bội nhiễm ở người mắc bệnh COPD:
- Tình trạng khó thở gia tăng.
- Màu sắc của đờm thay đổi.
- Lượng đờm khạc nhiều.
Các thuốc kháng sinh nhóm Beta-lactamin (amoxicillin, cefuroxim, cefotaxim…), Macrolid (erythromycin, clarithromycin, azithromycin…), Quinolon (offloxacin, ciprofloxacin…) thường được ưu tiên chọn lựa trong điều trị bệnh COPD.
Thuốc điều trị bệnh COPD là những thuốc kê đơn, phải được sự chỉ định của thầy thuốc. Người bệnh cần tuân theo chặt chẽ các chỉ định sử dụng, để mang lại hiệu quả cao trong điều trị và hạn chế các tác dụng phụ xảy ra.
Chế độ sinh hoạt cho bệnh nhân tắc nghẽn phổi mãn tính
Việc đầu tiên và quan trọng nhất trong bất kỳ phác đồ điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nào cũng là cai thuốc lá! Cai thuốc lá giúp làm chậm diễn tiến của bệnh. Vì bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là một bệnh kinh niên nên bệnh nhân phải được theo dõi điều trị lâu dài. Đến nay vẫn chưa có thuốc nào chữa khỏi hoàn toàn được bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Ngoài việc điều trị bằng thuốc, người bệnh nên sống điều độ trong môi trường thông thoáng, hạn chế hút thuốc (tốt nhất là bỏ thói quen hút thuốc), chế độ dinh dưỡng tốt, tăng cường luyện tập thể dục… Chính sự thay đổi lối sống sẽ mang lại tác dụng tích cực, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nên chích ngừa cảm cúm mỗi năm một lần, chích ngừa viêm phổi ba năm một lần.
Chương trình phục hồi chức năng đầy đủ, bao gồm giáo dục, vận động, hỗ trợ tâm lý xã hội và hướng dẫn cách tập thở... sẽ giúp bệnh nhân thở dễ hơn!
Bạn nên đưa bố đến trung tâm y tế chuyên khoa để được các bác sĩ khám chữa bệnh tốt nhất cho bố bạn.
Chúc Bác sức khỏe.
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ