Gửi câu hỏi>>

Nhóm thuốc kháng sinh dành cho bà bầu theo từng giai đoạn thai kỳ

Tôi có thể biết nhóm thuốc kháng sinh dành cho người có bầu theo từng giai đoạn thai kỳ . Với loại bệnh viêm đường hô hấp,viêm thực quản và có thể kết hợp với loại thuốc nào để tăng tác dụng điêù trị, khoảng thời gian điều trị tốt nhất là bao lâu ?
Nhóm thuốc kháng sinh dành cho bà bầu theo từng giai đoạn thai kỳ
Trả lời:
Thuốc kháng sinh là tất cả tổ hợp các chất có trong tự nhiên bao gồm thuốc kháng sinh bán tổng hợp hay thuốc kháng sinh tổng hợp. Tất cả các loại thuốc kháng sinh đều có tác dụng kháng khuẩn. Thuốc kháng sinh có vai trò rất quan trọng trong điều trị các bệnh do nhiễm khuẩn gây ra như bệnh lao, thương hàn, dịch tả... và được chia thành nhiều nhóm thuốc khác nhau:

- Nhóm beta-lactamin (penicillin, ampicillin, amoxicillin, cephalosporin...).

- Nhóm macrolid (erythromycin, clarithromycin, roxithromycin...).

- Nhóm teracyclin (doxycylin, minocyclin...).

- Nhóm phenicol (chloramphenicol, thiamphenicol).

- Nhóm aminoglycosid (streptomycin, kanamycin...).

- Nhóm quinolon (ofloxacin, ciprofloxacin...).

Tại sao uống thuốc gây ảnh hưởng đến thai nhi

- Thời gian từ khi thụ thai đến khi đứa trẻ được sinh ra gọi là thời kỳ bào thai, chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn phát triển phôi thai gồm 3 tháng đầu của kỳ thai, dành cho sự tượng hình và biệt hóa các bộ phận của bào thai, bào thai chưa có hình dạng đầy đủ. Do đó, bà bầu sử dụng thuốc khi mang thai trong khoảng thời gian này có tác dụng cản trở sự tượng hình và biệt hóa, như một số thuốc an thần, một số thuốc kháng sinh, thuốc nội tiết tố, thuốc chống ung thư… có thể gây ra quái thai, dị tật bẩm sinh.

- Dị tật bẩm sinh có thể xảy ra ở bất cứ bộ phận nào nếu sử dụng thuốc khi có thai như tim, mạch máu, đầu, mặt, bộ phận tiết niệu, sinh dục, tiêu hóa, xương, cơ, các chi… Trước đây đã có hàng nghìn phụ nữ châu Âu sinh ra quái thai cụt chi do đã uống thuốc an thần Thalidomid trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

- Từ tháng thứ tư trở đi, giai đoạn phát triển nhau thai, bào thai đã tượng hình và chỉ còn việc phát triển, tăng trưởng thì sử dụng thuốc khi mang thai giai đoạn này có thể ảnh hưởng xấu đến các cơ quan sau này của trẻ, do có độc tính đối với các mô đang phát triển của bào thai. Ví dụ kháng sinh Tetracylin ảnh hưởng xấu đến mô xương và răng, thuốc kháng sinh thuộc họ aminosid như Streptomycin gây độc tính với cơ quan thính giác và thận. Ngay trước khi trở dạ, một số thuốc vẫn có thể tác động đến thai nhi, như Morphin, Reserpin…

- Tốt nhất là bà bầu không nên uống thuốc kháng sinh. Tuy nhiên vẫn có trường hợp phải dùng thuốc, nếu không dùng chữa bệnh cho thai phụ, thai phụ bệnh thì cũng sẽ nguy hiểm cho thai nhi. Đó là trường hợp thai phụ bị các bệnh như tăng huyết áp, hen suyễn, tiểu đường, động kinh, một số bệnh nhiễm khuẩn. Trường hợp này bắt buộc dùng thuốc chữa bệnh, nếu không dùng có thể ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi, thậm chí gây ra quái thai. Trong trường hợp này bác sĩ sẽ phải cân nhắc để quyết định liệu trình phù hợp, theo dõi thường xuyên để có biện pháp xử lý.


Nhóm thuốc kháng sinh nên dùng cho bà bầu

Trong các nhóm kháng sinh phổ biến hiện nay hầu như chỉ có nhóm bêta lactam (bao gồm các thuốc penixilin, ampixilin, amoxilin... và các thuốc thuộc nhóm cephalosporin) và nhóm macrolide (với tên thuốc điển hình là erythromycin) là được coi như tương đối an toàn cho thai nhi trong bụng mẹ.

Nhóm kháng sinh không nên dùng cho bà bầu do ảnh hưởng tới thai nhi và trẻ bú mẹ

Các nhóm kháng sinh khác đều có những nguy hiểm cho thai (và cả trẻ nhỏ còn đang bú mẹ do thuốc truyền từ mẹ sang con qua sữa) đã được cảnh báo. Ví dụ:

- Nhóm aminoglycoside với các tên biệt dược như streptomycin, gentamycin, kanamycin... có thể gây điếc bẩm sinh cho thai do hư hại dây thần kinh thính giác và khi trẻ đã bị điếc bẩm sinh thì cũng bị câm luôn.

- Nhóm cloramphenicol có thể làm giảm bạch cầu, gây suy tủy xương và vàng da.

- Nhóm tetracyclin ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và răng của trẻ.

- Loại kháng sinh có tác dụng diệt vi khuẩn yếm khí như metronidazol có thể gây dị tật cho thai, nhất là trong ba tháng đầu của thai nghén.

- Các loại sulfamid cũng có thể gây tăng bilirubin máu gây vàng da nặng cho trẻ.

Nhóm thuốc dùng thận trọng: nitrofuran, acid nalidixic (không nên dùng cuối thai kỳ), metronidazol (dùng trong điều trị viêm phụ khoa, chẳng hạn như nấm trichomoniasis và vi khuẩn cũng như các loại viêm nhiễm khác) đang trong quá trình nghiên cứu có thể gây khiếm khuyết thai nhi, rifamycin (không nên dùng trong 3 tháng đầu thai kỳ), trimethoprim, sulfamid (không nên dùng giai đoạn đầu và cuối thai kỳ).


Để biết được thuốc kháng sinh nào có thể dùng được khi có thai, cần xem kỹ đơn giới thiệu thuốc kèm theo trong mỗi hộp thuốc, tìm phần ghi về “Chống chỉ định” để biết thuốc có được dùng cho phụ nữ có thai và/hoặc cho con bú hay không. 

Bà bầu nên dùng kháng sinh thế nào

Khi đang mang bầu và mắc bệnh, nếu muốn dùng thuốc thì nên đi khám để tùy theo bệnh, tùy tình hình thai nghén lúc đó, thầy thuốc sẽ lựa chọn loại kháng sinh phù hợp, được hướng dẫn cách dùng, cách tự theo dõi là tốt và an toàn hơn cả.

Bất cứ loại thuốc nào cũng không có lợi cho phụ nữ có thai và cho con bú, dù là thuốc dùng tại chỗ song một tỷ lệ nhỏ thuốc vẫn được hấp thu vào máu và thai nhi qua nhau thai và sữa mẹ. 

Khi viêm đường hô hấp, viêm thực quản phụ nữ có thai chỉ nên xúc họng bằng nước muối pha loãng hoặc điều trị bằng thuốc chấm họng. Nếu bệnh nặng nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.

Bạn đọc phản hồi ( xem ở dưới phần QC ) =>

Bạn đọc phản hồi ( 17 )

Bình luận

- Thuocbietduoc.com.vn cung cấp thông tin về hơn 30.000 loại thuốc theo toa, thuốc không kê đơn. - Các thông tin về thuốc trên Thuocbietduoc.com.vn cho mục đích tham khảo, tra cứu và không dành cho tư vấn y tế, chẩn đoán hoặc điều trị. - Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ
- Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Thuocbietduoc.com.vn
Thông tin Thuốc và Biệt Dược
- Giấy phép ICP số 235/GP-BC.
© Copyright Thuocbietduoc.com.vn
- Email: contact.thuocbietduoc@gmail.com