Cách dùng thuốc GLYCEROL để chống táo bón
Cách dùng thuốc GLYCEROL để chống táo bón
Trả lời:
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ
Thông tin thuốc Glycerol
Thuốc Glycerol (hay còn gọi là glycerin) là một thuốc nhuận tràng loại thẩm thấu có có các đặc tính hút ẩm và làm trơn, được dùng để trị táo bón (với dạng viên đạn trực tràng, dung dịch).
Glycerol thường được dùng qua đường trực tràng để hút dịch vào đại tràng và do đó thúc đẩy thải phân khi táo bón. Thuốc còn có tác dụng gây trơn và làm mềm phân.
Với tác dụng chống táo bón, thuốc thường được dùng qua đường trực tràng dưới dạng thuốc đạn hoặc dung dịch để tăng áp lực thẩm thấu trong đại tràng và do đó thúc đẩy thải phân khi táo bón. Thuốc thường có tác dụng trong vòng 15 - 30 phút.
Cách dùng thuốc Glycerol
Để chữa táo bón qua đường trực tràng, mỗi lần dùng 1 liều đơn và không nên dùng thường xuyên, chỉ dùng khi cần thiết và thường không nên dùng quá 1 tuần. Trường hợp dùng trong thời gian dài phải có sự theo dõi của bác sĩ. Thuốc bắt đầu có tác dụng sau khi dùng khoảng từ 15 - 30 phút. Nếu thuốc không có tác dụng cũng không nên dùng thêm liều nữa.
Đối với trẻ sơ sinh dùng dưới dạng dung dịch thụt, trẻ em dưới 6 tuổi dùng 1 đạn trực tràng, hay 2 - 5ml glycerol dưới dạng dung dịch thụt. Trẻ em trên 6 tuổi và người lớn dùng 1 đạn trực tràng người lớn (nếu cần), hay 5 - 15ml glycerol dưới dạng dung dịch thụt.
Lưu ý khi dùng thuốc glycerol trị táo bón
Dùng thuốc trị táo bón dạng glycerol cần bảo quản đúng cách.
Khi dùng thuốc người bệnh cần lưu ý, đối với dung dịch glycerol uống cần phải bảo quản trong bình kín ở nhiệt độ tốt nhất là từ 15-30oC (tránh để đông lạnh), đối với viên đặt trực tràng cần bảo quản ở lạnh.
Khi sử dụng tại chỗ hay ở trực tràng, glycerol có thể gây kích ứng. Không dùng thuốc cho người quá mẫn với glycerol hoặc bất kỳ một thành phần nào của thuốc; các trường hợp phù phổi, mất nước nghiêm trọng, khó tiểu tiện, người bệnh cao tuổi.
Đối với các trường hợp sau cần dùng thuốc một cách thận trọng như người bị bệnh tim, thận hay gan (vì thuốc làm tăng gánh tuần hoàn gây phù phổi cấp), người bệnh đái tháo đường (do thuốc có thể gây tăng đường huyết và đường niệu).
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ