Điều trị ung thư cổ tử cung
Chào bác sĩ! Tôi được chẩn đoán là ung thư cổ tử cung mặc dù trước đây tôi đã tiêm phòng HPV. Vậy tiêm phòng HPV có hiệu quả không? Và với trường hợp ung thư cổ tử cung giai đoạn I như của tôi thì phải điều trị như thế nào? Cảm ơn bác sĩ!
Trả lời:
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ
Ung thư cổ tử cung chiếm 12% những loại ung thư ở phụ nữ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiễm HPV làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung và đây cũng là nguyên nhân chính gây bệnh này. Tùy theo từng giai đoạn sẽ có phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung khác nhau.
1. Các giai đoạn phát triển
Ung thư cổ tử cung thường phát triển thành các giai đoạn sau:
- Giai đoạn 0: Ung thư tại chỗ
- Giai đoạn I: Ung thư khu trú tại cổ tử cung chưa xâm lấn sang các mô xung quanh.
- Giai đoạn II: Ung thư xâm lấn quá cổ tử cung nhưng chưa lan đến thành khung xương chậu hay chưa tới 1/3 dưới âm đạo.
- Giai đoạn III: Ung thư ăn lan đến thành khung xương chậu hoặc tới 1/3 dưới âm đạo hoặc dẫn đến thận ứ nước.
- Giai đoạn IV: Ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng hoặc lan ra ngoài vùng khung chậu.Tùy từng giai đoạn mà bệnh nhân được tiên lượng mức độ sống 5 năm khác nhau. Hầu hết các bệnh nhân ở giai đoạn nhẹ sẽ được điều trị dứt điểm và có tỷ lệ sống sót rất cao.
2. CÁC KỸ THUẬT CHẨN ĐOÁN
- Soi cổ tử cung và sinh thiết
Người bệnh có loạn sản hoặc ung thư trong biểu mô theo kết quả của phiến đồ Pap cần được soi cổ tử cung. Cần tiến hành ngay soi cổ tử cung và nếu không nhìn thấy tổn thương thì cần sinh thiết bằng phẫu thuật khoét chóp hay bằng dây thòng lọng điện cho những phụ nữ có kết quả phiến đồ Pap là ung
thư biểu mô.
Người bệnh có kết quả là tế bào tuyến bất thường cần được soi cổ tử cung và ban có thể làm sinh thiết nội mạc tử cung. Cần phải sinh thiết nội mạc tử cung để tìm tăng sản hoặc ung thư biểu mô nội mạc đối với những phụ nữ tiền mãn kinh nhưng lại có tế bào nội mạc tử cung trên phiến đồ Pap, hoặc đối với những phụ nữ chưa mãn kinh có tế bào nội mạc tử cung trên phiến đồ Pap ngoài thời gian có kinh
- Xét nghiệm Pap Smear (phết tế bào cổ tử cung)
Là xét nghiệm tế bào học để tìm những tế bào bất thường trong lớp biểu mô cổ tử cung. Đây là phương pháp chủ yếu để phát hiện những biến đổi tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm.
3. Điều trị ung thư cổ tử cung
Phẫu thuật
Đối với điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm, sẽ áp dụng thủ thuật cắt hình nón, phẫu thuật bằng laser, thủ thuật cắt bằng vòng dây điện hoặc phẫu thuật lạnh.
Hóa trị
Thường áp dụng sau phẫu thuật, hóa trị đơn thuần hoặc kết hợp với xạ trị.
Xạ trị
Xạ trị áp dụng trong trường hợp chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng đối với bệnh nhân giai đoạn muộn, không thể phẫu thuật, hoặc xạ trị trước và sau phẫu thuật.
4. Tiêm phòng HPV có hiệu quả trong phòng chống ung thư cổ tử cung không?
Có nhiều nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung , HPV là nguyên nhân chính. Tiêm phòng HPV giúp hạn chế tối đa nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên nếu bạn đã mắc các chủng HPV gây ung thư trước khi tiêm phòng sẽ làm giảm hiệu quả của vắc xin HPV.
Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được biết phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung phù hợp nhất với tình trạng bệnh của mình. Chúc bạn thành công!
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ