Gửi câu hỏi>>

Bệnh trào ngược thực quản GERD

Xin chào BS, em năm nay 28 tuổi. Năm 2002 em bị tai nạn giao thông - bị đa chấn thương, bị cắt một đoạn thực quản và bị cắt mất tâm vị. Sau đó em được phẫu thuật nối thực quản thành công tại bệnh viện FV. Nhưng cũng từ thời gian đó trở đi em phải dùng liên tục Lomac (2004 - Tháng 3/2008) sáng 1 viên và tối trước khi đi ngủ 1 viên. Nếu không có thuốc em sẽ không ngủ được (khi ngủ em phải nằm cao đầu, khoảng 30 độ), khoảng thời gian gần sáng là thời gian em hay bị thức giấc vì dịch acid trong bao tử trào ngược lên, rất khó chịu và đau. Ngoài Lomac em còn dùng thêm Phosphalugel để "chữa cháy" trong trường hợp "khẩn cấp" - cảm thấy được sự nóng, rát sau xương ức. Và cứ sau khoảng một thời gian nhất định (15-20 ngày) em bị nôn ói rất dữ dội liên tục 3-5 ngày rồi lại bình phục ăn uống trở lại như bình thường. Em cũng xin được trình bày thêm, vì là đoạn thực quản nhân tạo được nối vào bị teo, hẹp nên định kỳ em phải vào bệnh viện để nong thực quản (6-9 tháng/nong). Chế độ ăn uống của em không được đầy đủ, vì em không thể ăn bất cứ loại thực phẩm hay đồ uống nào có tính chua, cay hoặc có gas. Và em phải chia nhỏ bữa ăn ra thành 6-8 bữa ăn trong ngày, và em được khuyên ăn thức ăn được xay nhuyễn (soup, cháo). Em rất gầy, hiện tại chỉ cân nặng 34kg. Em phải trình bày hơi nhiều nguyên nhân vì em không biết phải bắt đầu từ đâu. Vậy em xin được hỏi các BS : - Em đã tham khảo các trang web của nước ngoài nói về bệnh trào ngược thực quản GERD. Sau đó em đã chuyển sang dùng Omeprazole (10mg lọ 28 viên). Em mua dạng hàng xách tay của Pháp, uống sáng 1 viên khi ngủ dậy và tối 1 viên trước khi ngủ. Và nay em đã dùng được 3 tháng (từ cuối tháng 4 đến nay). Theo như các BS đã cho lời khuyên rằng chúng ta không nên duy trì việc sử dụng Omeprazole liên tục trong thời gian dài. Nhưng em không thể ngưng thuốc. Vì chỉ cần một buổi sáng em không uống thuốc là lập tức triệu chứng buồn nôn, kèm sự nóng rát xuất hiện ngay sau đó và làm em rất đau không thể ăn uống được. Xin các BS hướng dẫn em phải tiếp tục việc điều trị như thế nào??? - Đã 3 tháng nay từ khi em chuyển sang dùng Omeprazole, triệu chứng nôn ói định kỳ cũng biến mất. Em ăn đã biết ngon, thèm ăn và không còn bị thức giấc lúc gần sáng nữa. Lomac cũng có hoạt chất chính là Omeprazole và em cũng đã sử dụng trong một thời gian dài và không hiệu quả . Xin thưa các BS đó có phải là do em bị lờn thuốc hay không hay là do thành phần hoạt chất chính là Omeprazole không đạt yêu cầu?! Và nếu do em bị lờn thuốc với Lomac thì trong tương lai với Omeprazole thì liệu em có bị xuất hiện các triệu chứng tương tự như với Lomac hay không? Em xin cảm ơn các BS rất nhiều. Phạm Thái Anh Chi
Ảnh minh họa
Trả lời:

Lomac là tên biệt dược có thành phần chính là Omeprazole do hãng Cilag sản xuất, các loại biệt dược tuy giống nhau về thành phần chính nhưng tính sinh khả dụng có thể khác nhau, bản chất của dược chất dễ có khả năng tạo ra sự khác biệt về sinh khả dụng giữa các biệt dược. Nếu bạn thấy việc sử dụng Omeprazole của Pháp có tác dụng hơn thì bạn nên tiếp tục sử dụng.

Khi sử dụng Omeprazole trong thời gian dài cần lưu ý các tác dụng phụ của thuốc gây ra, bạn cần tham khảo ý kiến của Bác sĩ,

nếu có thể chuyển sang một loại thuốc khác có tác dụng tương tự. Trong trường hợp của bạn sử dụng Omeprazole để làm giảm tiết axit dạ dày, có nhiều loại có tác dụng tương tự, tuy nhiên việc sử dụng phải hoàn toàn tuân thủ theo Bác sĩ đang chữa bệnh cho bạn, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc!

Chúc bạn sức khỏe và sớm khỏi bệnh!

Thuốc biệt dược
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ


TAG: OmeprazoleLomac




Bạn đọc phản hồi ( xem ở dưới phần QC ) =>

Bạn đọc phản hồi ( 0 )

Bình luận

- Thuocbietduoc.com.vn cung cấp thông tin về hơn 30.000 loại thuốc theo toa, thuốc không kê đơn. - Các thông tin về thuốc trên Thuocbietduoc.com.vn cho mục đích tham khảo, tra cứu và không dành cho tư vấn y tế, chẩn đoán hoặc điều trị. - Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ
- Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Thuocbietduoc.com.vn
Thông tin Thuốc và Biệt Dược
- Giấy phép ICP số 235/GP-BC.
© Copyright Thuocbietduoc.com.vn
- Email: contact.thuocbietduoc@gmail.com