Nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ ở người trẻ, cách khắc phục thế nào
Em không biết cô ấy bị bệnh gì mà hãy làm bất kỳ việc gì thường hay quên,đôi khi vưà mới làm xong là quên ngay liền,và thường hay bị nhức đầu.Mong nhận được hồi âm từ bác si.Em rất cảm ơn !
Trả lời:
Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ
Thông thường sau tuổi 30, mỗi ngày có tới 3000 tế bào não chết đi mà không sản sinh thêm. Trong khi đó, mỗi tế bào ở lại phải hứng chịu sự tấn công của 10.000 gốc tự do làm hủy hoại các tế bào thần kinh khiến chức năng não rối loạn.
Tỷ lệ người trẻ mắc bệnh suy giảm trí nhớ ngày càng cao. Theo thống kê có nhiều người bệnh suy giảm trí nhớ chưa được điều trị và có nhiều người suy giảm trí nhớ chuyển thành sa sút trí tuệ nghiêm trọng sau đó.
Căng thẳng tâm lý là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy giảm trí nhớ cùng với chế độ ăn công nghiệp, thói quen uống rượu bia và chất kích thích, tình trạng béo phì, ô nhiễm môi trường...
Rất nhiều người cho rằng bệnh đãng trí không nguy hiểm và trí nhớ giảm sút theo thời gian là chuyện bình thường. Nhưng bệnh hay quên, đãng trí thường bị chuyển sang thể sa sút trí tuệ (mất trí nhớ) sau một vài năm. Nếu bị sa sút trí tuệ người bệnh sẽ quên những việc vừa mới xảy ra, nhận thức và xử lý thông tin chậm chạp, thiếu logic rồi chuyển sang giảm khả năng truyền đạt ý, thậm chí còn có thể mất hẳn trí nhớ dẫn đến việc không nhận ra người thân, đi lạc, đờ đẫn, không có khả năng tự chăm sóc bản thân.
Nguy hiểm hơn cơ thể còn mất đi một số chức năng về hô hấp, tuần hoàn và nguy hiểm tới tính mạng.
Nguyên nhân gây nên suy giảm trí nhớ ở người trẻ
Trầm cảm & Stress
Cuộc sống nhiều áp lực căng thẳng, công việc bề bộn, áp lực học hành, môi trường ô nhiễm, thiếu ngủ thường xuyên là nguyên nhân dễ dẫn đến stress và stress khiến cho người ta mất tập trung nhất. Stress tác động trực tiếp lên trung tâm thần kinh nhận thức và ảnh hưởng đến khu vực nhận thức ở não làm giảm tốc độ phản ứng với sự vật, khiến con người khó tập trung suy nghĩ, dễ phân tán tư tưởng và giải quyết vấn đề chậm chạp.
Thiếu ngủ, mất ngủ thường xuyên
Ngủ đủ giấc có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, nó giúp cơ thể được nghỉ ngơi, phục hồi năng lượng và đào thải độc tố. Khi ngủ sóng não sẽ được tạo ra để lưu trữ các thông tin và chuyển thông tin đó đến võ não trước trán (là nơi lưu trữ ký ức). Khi ngủ không đủ giấc thì những ký ức không di chuyển về phía vỏ não trước trán nên gây ra tình trạng mất trí nhớ ngắn hạn, mau quên.
Tùy theo nhu cầu mỗi người mà thời gian ngủ có thể ít hơn hoặc nhiều hơn bình thường nhưng thời gian ngủ trung bình là 7-8 tiếng mỗi đêm. Quan trọng hơn cả là chất lượng giấc ngủ phải đáp ứng được các yếu tố như: Đủ giờ, đủ sâu, sáng dậy tỉnh táo không mệt mỏi. Cơ thể sẽ gây nên tình trạng mệt mỏi, ủ rũ, lờ đờ nếu không được ngủ đủ giấc. Không những thế mất ngủ lâu ngày còn dễ dẫn đến trầm cảm, dễ cáu gắt, không tập trung, suy giảm trí nhớ, hay quên.
Dù là mất ngủ trong thời gian ngắn hay dài thì cũng ảnh hưởng đến khả năng làm việc và chất lượng cuộc sống. Do đó muốn có một giấc ngủ ngon thì chúng ta nên loại bỏ những áp lực, căng thẳng trong cuộc sống, ăn uống, vận động khoa học, không dùng chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá.
Khi bạn ngủ đủ giấc thì các cơ quan não bộ sẽ được phục hồi, căng thẳng và stress cũng được giải tỏa, các nguy cơ tổn thương não, đột quỵ não cũng được giảm tối đa.
Làm quá nhiều việc cùng lúc
Khi phải làm quá nhiều việc cùng lúc sẽ khiến bộ não bị quá tải và đó chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng hay quên ở người trẻ. Để hạn chế tình trạng hay quên do nguyên nhân này thì bạn nên tập trung làm tốt một việc một lúc. Ghi các điều cần làm ra một quyển sổ để thực hiện công việc một cách tuần tự.
Dinh dưỡng không đầy đủ
Não bộ sẽ hoạt động tốt nhất nếu được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Thiếu máu hay thiếu sắt gây nên các biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, xanh xao cùng với áp lực trong công việc và cuộc sống sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ
Ngoài ra thiếu hụt hai vitamin nhóm B là vitamin B1 và vitamin B12 sẽ gây nên ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ. Do vitamin B1 có tác dụng làm cho hệ thần kinh hoạt động bình thường, giúp
duy trì việc sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh có tác động đến tâm trạng, trí nhớ, sự chuyển động và suy nghĩ của con người. Khi thiếu hụt vitamin B1 sẽ gây ra hội chứng Wernike-Korsakoff là một loại rối loạn thần kinh dẫn đến mất trí nhớ ngắn hạn, hoặc dài hạn.
Lạm dụng chất gây nghiện
Rượu, bia, thuốc lá là những chất gây nghiện có tác dụng rất xấu lên vùng hippocampus ngăn cản việc chuyển đổi trí nhớ ngắn hạn sang dài hạn. Thuốc lá làm suy giảm trí nhớ vì làm giảm lượng oxy lưu thông lên não. Lâu dần chúng sẽ làm co hẹp các mạch máu, khiến não bộ kém nhạy bén và chức năng ghi nhớ suy giảm. Không những thế nó còn là nguyên nhân gây nên các bệnh tai biến mạch máu não và các bệnh về gan.
Do ảnh hưởng của bệnh lý tâm thần
Đó là các bệnh như rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu… làm giảm tập trung chú ý; bệnh tâm thần phân liệt có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở người trẻ, bệnh làm cho biểu hiện cảm xúc ngày càng cùn mòn, khô lạnh, tư duy ngày càng nghèo nàn, ý chí ngày càng suy giảm, hoạt động ngày càng yếu đuối đi đến chỗ không thiết làm công việc gì, khả năng lao động và học tập, chú ý, trí nhớ đều giảm.
Sau chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não (CTSN) là một hình thái tổn thương sọ não ngoại sinh. Hậu quả của CTSN rất khác nhau, từ hồi phục hoàn toàn đến để lại các di chứng nặng nề về thần kinh và tâm thần. Rối loạn tâm thần do CTSN bao gồm 2 giai đoạn: giai đoạn cấp tính và giai đoạn muộn. Các rối loạn tâm thần là hậu quả muộn của CTSN, thời gian tùy thuộc vào từng bệnh nhân, nhưng thường là sau 6 tháng bị CTSN.
Do các bệnh nhiễm khuẩn
Các bệnh lý hay gặp là viêm não, màng não do vi khuẩn, virut, viêm màng não lao, sốt rét ác tính thể não, giang mai não, HIV/AISD…
Do nhiễm độc
Các chất độc thâm nhập vào cơ thể bằng nhiều đường khác nhau, tác động lên hệ thần kinh trung ương, gây ra tổn thương thần kinh và các rối loạn tâm thần rất đa dạng, cấp tính hoặc kéo dài. Các triệu chứng rối loạn tâm thần phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: loại chất độc, liều lượng, thời gian, mức độ nhiễm độc và các yếu tố mang tính cá thể như: nhân cách, thể tạng, sức đề kháng…
Cách cải thiện trí nhớ
Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc có một vai trò rất quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe và trí nhớ. Thư giãn và ngủ đủ giấc không những giúp con người lấy lại năng lượng và sự minh mẫn mà nó còn là chìa khóa giúp đẩy lùi căn bệnh lú lẫn, hay quên.
Bộ não và cơ thể cần được nghỉ ngơi đầy đủ để hình thành những ký ức mới. Trong lúc bạn ngủ, não hình thành những ký ức mới rồi củng cố và kết nối chúng, tạo thành một mạng lưới bộ nhớ hợp nhất. Nếu bạn quên nơi cất chìa khóa xe, đó có thể là do bạn không ngủ đủ giấc.
Dinh dưỡng
Một số thực phẩm giúp cải thiện bệnh đãng trí như: óc lợn, trứng chim bồ câu, trứng cút, các loại quả mọng, cá hồi, cà chua, bông cải xanh, củ cải đường, cam, nho, cherry, kiwi, gấc. Đó là những thực phẩm giầu dinh dưỡng, tốt cho người bị suy giảm trí nhớ và suy nhược thần kinh.
Ngoài ra bạn nên tránh sử dụng những chất kích thích như: rượu bia, chất kích thích, chất gây nghiện vì những chất này sẽ khiến trí nhớ bị tổn thương dần dần
Tập thể dục
Chúng ta có thể luyện tập thể lực ngoài trời như bơi lội, đi bộ, đạp xe, tập yoga… Hoạt động thể lực chính là biện pháp đốt cháy stress, vì chúng cho tim tăng cung lượng máu tới não và các phủ tạng, khiến tinh thần phấn chấn, sảng khoái.
Luyện trí nhớ
Rèn luyện trí nhớ bằng thường xuyên giao tiếp xã hội, sắp xếp cuộc sống logic, gọn gàng; Ngoài ra đọc sách báo, chơi các trò chơi trí tuệ như ô chữ, cờ tướng, cờ vua, học ngoại ngữ hay chơi một loại nhạc cụ nào đó cũng là một trong những biện pháp tốt nhất để cải thiện sức khỏe não bộ.
Bạn nên đưa cô ấy đến trung tâm y tế để được chẩn đoán và điều trị các triệu chứng trên.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe.

Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ